"Thằng mặt quỷ"; "Mặt xấu như ma"; "Mặt như bị cháy sém"... là những câu nói quen thuộc Văn Tuấn (sinh năm 1990, xã Khánh Trung, Yên Khánh, Ninh Bình), phải nghe suốt thời thơ ấu. Vết chàm bẩm sinh che đi nửa bên mặt và một bên cánh mũi khiến Tuấn luôn là mục tiêu để người xung quanh trêu chọc.
Nhà nghèo, bố mẹ làm ruộng chật vật lắm mới đủ nuôi 5 chị em Tuấn ăn học nên chưa bao giờ có ý định chữa chàm cho con. "Bố mẹ tôi nói con gái thì mới sợ ế, chứ con trai thế nào cũng vẫn lấy được vợ", Tuấn kể.
Ngày Tết, cậu chẳng bao giờ được đi chúc như anh chị. Tuấn không biết lý do tại sao, không ai giải thích, chỉ biết thui thủi ở nhà, hờn khóc. "Lớn lên tôi mới hiểu đó là phong tục tập quán ở quê, họ không muốn những gì xấu xí tới nhà năm mới. Lúc hiểu ra cũng là lúc tôi tủi thân ghê gớm", Tuấn nói.
Tuấn từng tự ti với nửa khuôn mặt bị chàm xanh, cằm hô. Ảnh: V.T. |
Từ đó, cậu càng cố tạo lớp vỏ bọc kín cho bản thân. Cậu nuôi tóc dài để che bớt nửa bên khuôn mặt, đi đâu cũng bịt khẩu trang. Càng lớn, chiếc cằm lại càng hô ra, cánh mũi to bè càng khiến chàng trai trẻ sống khép kín, không kết bạn với ai.
Năm lớp 12, khi các bạn háo hức chọn trường, Tuấn cũng muốn theo đuổi ngành nghề yêu thích, giáo viên hoặc công an. Nhưng khi xem điều kiện tuyển sinh, mặt không được dị dạng dị hình, Tuấn đành bỏ ước mơ. Cậu chuyển sang học kinh tế và vào trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội.
Thời sinh viên, Tuấn cũng xin đi làm thêm khắp nơi nhưng không ai nhận. "Có lần tôi tới một quán ăn xin làm bồi bàn, ông chủ nói 'Em lại nhìn mình đi, tuyển em vào để đuổi khách à?", Tuấn nhớ lại. Cậu không nản lòng, tiếp tục xin đi gia sư, bán hàng nhưng tới đâu cũng nhận được cái lắc đầu. Cũng vì vẻ ngoài này, Tuấn không có bạn gái dù rất ước mong có một mối tình.
Ra trường với tấm bằng loại khá, Tuấn mong muốn tìm được một công việc ổn định để có thể tự lo cho bản thân và giúp bố mẹ. Thế nhưng ngoại hình lại là rào cản lớn khiến cậu không thể tìm được việc. "Chỉ cần nhìn thấy tôi, người ta đã có thái độ khác hẳn, hỏi vài câu bâng quơ cho có rồi gọi ngay người khác", Tuấn tâm sự.
Chàng trai trẻ chuyển hướng đăng ký làm nhân viên trực tổng đài cho một công ty viễn thông, một công việc không cần lộ mặt. Nhưng do chất giọng địa phương, ngọng "l", "n" nên cậu cũng không được nhận. Tuấn biết đây có lẽ là việc hợp nhất với mình nên cố gắng cải thiện phát âm. Mất 3 tháng kiên trì luyện tập nói đúng chuẩn, Tuấn mới trúng tuyển.
Khuôn mặt Tuấn thay đổi nhiều sau phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: V.T. |
Những ngày đầu đi làm, Tuấn háo hức với công việc mới. Cậu nghĩ khi làm việc, người ta sẽ không chú ý nhiều tới dung nhan, chỉ cần hiệu quả, nên nỗ lực hết mình, vui vẻ với mọi người. Thế nhưng dần dần, Tuấn biết có nhiều người để ý nói không tốt về mình, "nhìn thằng đó sợ nhỉ, thấy mặt là giật cả mình"; "khách mà biết mặt nó khéo khóc thét"... cậu lại trở về với vỏ bọc tự ti.
Những câu nói ác ý sau lưng của mọi người, những lần đi xe bus bị kiểm tra vé tháng phải bỏ khẩu trang khiến ai nấy nhìn chằm chằm... trở thành động lực giúp Tuấn thay đổi. Cậu quyết định tăng ca gấp đôi, ngày trực tới 16 tiếng ở tổng đài, dành dụm tiền đi chữa vết chàm. Ròng rã suốt 2 năm, từ 2015, những vết xanh trên mặt Tuấn đã mờ dần.
Song song với thời gian chữa chàm, chàng trai trẻ cũng đăng ký tập gym để khỏe mạnh và cơ bắp hơn. Sợ bị nhiều người để ý, nên Tuấn chọn tập lúc muộn, khi phòng tập chỉ còn thưa thớt người. Sau một năm, cậu tăng từ 55 kg lên 75 kg. Lúc khuôn mặt chỉ còn những chấm mờ, cũng là lúc Tuấn sở hữu thân hình săn chắc.
Cuối năm 2017, Tuấn đăng ký tham gia một chương trình phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí của một thẩm mỹ viện ở Hà Nội và may mắn được chọn. Cậu đã thực hiện nâng mũi cấu trúc, chỉnh xương cắt cánh mũi, cắt mí và độn cằm vline. Sau dao kéo, không ai còn nhận ra "Tuấn sém" với chiếc mũi thô bè, hàm hô ngày nào.
Tuấn hiện giờ sở hữu thân hình săn chắc, khỏe khoắn và khuôn mặt ưa nhìn. Ảnh: V.T. |
"Tuấn thiệt thòi nhiều rồi, ngày nhỏ có cô giáo tưởng Tuấn bị nhọ mặt, nói con về rửa mặt đi, Tuấn khóc suốt. Khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, Tuấn giấu gia đình, chỉ nói với tôi là 'Con đi làm đẹp, mẹ thắp hương để ông bà phù hộ cho con'. Đến khi cháu về quê, nhìn thấy mà tôi cứ ngỡ không phải con mình, vì cháu đẹp trai, sáng sủa quá. Cả gia đình tôi rất phấn khởi", bà Hoàng Thị Hằng, 55 tuổi, mẹ của Tuấn cho hay.
Một năm sau phẫu thuật thay đổi ngoại hình, Tuấn đã bỏ công việc trực tổng đài, trở thành người mẫu cho một số shop thời trang tại Hà Nội và nhân viên tư vấn thẩm mỹ, thu nhập tăng nhiều lần so với trước. Tuấn có thêm nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ hơn.
Chàng trai cũng đăng ký tham gia một chương trình thực tế trên truyền hình tháng 5 vừa qua. "Sau hơn 27 năm sống trong mặc cảm, giờ tôi đã tự tin, năng động hơn và sống một cuộc đời chưa từng mơ trước đó", Tuấn nói.
Tác giả: Mộc Miên
Nguồn tin: Báo VnExpress