Số hóa

Chân dung Tim Cook: Vị CEO kín tiếng nhất làng công nghệ

Mọi người từng làm việc cạnh Tim Cook nhiều năm trời – hơn một thập kỷ - đều có cảm giác họ không biết ông. Ông ấy là người hợp tác, lịch sự và đáng tôn trọng nhưng dường như không ai thực sự biết ông là ai.

Tim Cook và Apple

Năm 1988, ở tuổi 37, Tim Cook chấp nhận lời đề nghị làm việc tại Apple giữa những ngày tháng khó khăn nhất của “táo khuyết”. Ông cho biết chỉ 5 phút đầu tiên trong cuộc phỏng vấn với Steve Jobs, ông đã muốn vứt bỏ mọi sự ngờ vực và logic để bay đến gia nhập Apple. Khi ấy, mọi người xung quanh gọi ông là kẻ điên vì đang có công việc tại hãng máy tính hàng đầu thế giới (Compaq). Tuy nhiên, tiếng nói bên trong ông giục giã “Đi về phía tây, cậu trai trẻ. Đi về phía tây”. “Đôi khi, bạn ra đi chỉ vì như thế”, Cook hồi tưởng.

16 năm kể từ thời điểm đó, ông nổi lên như một nhà quản lý kinh doanh xuất sắc và được Jobs yêu mến. Khi trở thành CEO Apple, ông vực dậy cả công ty đi qua thời kỳ đen tối sau cái chết của Steve và vượt mức kỳ vọng của phố Wall. Ngày nay, Apple được xếp vào hàng những doanh nghiệp giá trị nhất lịch sử dù khi Cook đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch điều hành, Apple đang đứng bên bờ vực phá sản. Chỉ vài tháng trước đó, trong một sự kiện công nghệ, ai đó đã hỏi Michael Dell, nhà sáng lập Dell, về giải pháp cứu Apple. Ông đáp lại: “Tôi sẽ đóng cửa và trả lại tiền cho cổ đông”.

Cook từ bỏ chức vụ Phó chủ tịch nguyên vật liệu cho Compaq, nhà sản xuất máy tính lớn nhất thị trường để đến với Apple với nhiệm vụ đưa công ty quay trở lại cuộc chơi. Ông phải cung cấp những nguyên vật liệu và máy móc để Jobs và nhà thiết kế thiên tài Jony Ive sử dụng nhằm thay đổi thế giới. Theo cựu phóng viên Wall Street Journal, Tim về cơ bản phụ trách họ nhận được chất lượng, số lượng mong muốn vào đúng thời điểm. “Bất kể Jobs yêu cầu gì, Tim đều biến nó thành hiện thực”.

Cook cũng có yêu cầu cao không kém Jobs. Là một người làm việc không mệt mỏi, ông có thể gọi cho nhân viên vào đêm chủ nhật để hỏi về việc của tuần kế tiếp. Các thành viên trong nhóm phải chuẩn bị các cuộc họp hàng tuần như thể họ đang dự kỳ thi cuối cùng, và ông chủ của họ sẽ không tha cho họ trong hàng giờ liền. Theo nguyên tắc của Cook, không dự đoán được câu hỏi của ông và không có câu trả lời chính xác là một tội lỗi.

Ông xem xét kỹ lượng mọi khâu trong quy trình hoạt động. Sau khi đóng cửa một số nhà máy của Apple, Cook thiết lập mạng lưới nhà sản xuất và cung ứng khắp châu Á, giảm lượng hàng tồn kho tốn kém sang sản xuất theo đơn hàng. Hơn nữa, ông có thể dự báo chính xác nhu cầu máy nghe nhạc, di động để theo kịp. Vào thời kỳ đỉnh cao của “cơn sốt” iPad, chuỗi cung ứng đủ sức sản xuất 15 triệu tablet chỉ trong vòng 9 tháng.

Trên một thị trường không khoan nhượng, nơi chỉ một cái sảy chân cũng “đi tong” cả năm lợi nhuận, hệ thống của Cook vẫn duy trì được sự hiệu quả. Đóng góp của ông cho thành công sửng sốt của Apple là không thể chối cãi. Chỉ trong vòng 1 năm Cook được tuyển dụng, công ty đã đi vào khuôn khổ. Hiện tại, nhà sản xuất iPhone thu về hơn 170 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Tuy nhiên, đối với người hâm mộ Apple, sự hiệu quả không đáng để khoa trương. Họ muốn sự ma thuật, thứ mà Jobs luôn mang lại. Khi không còn được nhà sáng lập huyền thoại dẫn dắt, họ băn khoăn ánh sáng sẽ đến từ đâu? Ai có thể “cầm trịch” để làm ra thêm một sản phẩm như iPod, iPhone và iPad? Với Cook, người trái ngược với Jobs ở nhiều mặt, đó là một câu hỏi lớn. Liệu ông đã chuẩn bị câu trả lời hay chưa? Chúng ta sẽ sớm biết.


Tim Cook khẳng định ông tự hào là người đồng tính

Con người bí ẩn

Là một người đặc biệt kín tiếng, Cook cẩn thận bảo vệ từng chi tiết nhỏ trong đời tư của mình. Đó là lý do vì sao ông gây xôn xao khi tiết lộ bản thân là người đồng tính trong tuyên bố ngắn ngủi. Ông gần như không bao giờ phát biểu trước truyền thông. Những thông tin ít ỏi ông chia sẻ đều đến từ các bài phát biểu công khai, hội thảo công nghệ, trò chuyện với sinh viên. Những gì chúng ta biết chỉ bao gồm: Cook được nuôi dạy tại Robertsdale, thị trấn sùng đạo, yêu thích bóng đá. Ông chơi kèn trombone trong ban nhạc, làm việc tại ban niên giám của trường trung học. Bố của ông, Donald, là quản đốc tại một xưởng đóng tầu. Mẹ của ông, Geraldine, làm việc tại một hiệu thuốc khi không phải trông 3 con. Tim là con giữa.

Năm 1978, Cook di chuyển 220 dặm về phía Bắc tới trường đại học Auburn, nơi ông được khám phá 4 năm sau đó bởi một nhà tuyển dụng IBM. Dick Daugherty, người quản lý trung tâm nghiên cứu của IBM tại Bắc Carolina, nhận xét ngay từ khi ra trường, bước vào giới kinh doanh, Cook đã được nhìn nhận như người có năng suất cao. Ông tình nguyện làm xuyên kỳ nghỉ để giúp bộ phận đáp ứng được mục tiêu sản xuất. Bất chấp tuổi còn trẻ, Cook đủ khả năng xử lý các nhiệm vụ khó khăn.

Trong 12 năm tại công ty, Cook tiến từng bước trở thành Giám đốc hậu cần khu vực Bắc Mỹ. Vào các buổi chiều, ông học MBA tại Duke. Ông được mọi người yêu mến nhưng phần nào đó cô đơn. “Ông ấy không ngần ngại thảo luận về một vấn đề, và không ngại để cho người nào đó thuộc cấp cao hơn biết họ sai lầm. Tuy nhiên, ông chắc chắn không phải là kẻ áp đảo người khác”.

Sau đó, Cook rời IBM để làm việc cho công ty bán máy tính Intelligent Electronics rồi đến Compaq. Tại mỗi nơi dừng chân, ông không tiết lộ nhiều về cuộc sống riêng trừ tình yêu dành cho đội bóng Auburn.

Kane đào bới câu chuyện cuộc đời Cook cho cuốn sách Haunted Empire: Apple After Steve Jobs. Cô thực hiện hơn 200 cuộc phỏng vấn trong 2 năm, thậm chí còn về thăm quê nhà của Cook. Song, người đàn ông này vẫn là một bí ẩn với cô ấy. “Mọi người từng làm việc cạnh Cook nhiều năm trời – hơn một thập kỷ - đều có cảm giác họ không biết ông. Ông ấy là người hợp tác, lịch sự và đáng tôn trọng nhưng dường như không ai biết thực sự ông là ai”.

Hàng ngày, ông ngủ dậy lúc 3h45 sáng. Ông là người ham mê đạp xe và leo núi. Trên tường của văn phòng, ông treo ảnh Robert Kennedy và Martin Luther King Jr., những người đã hy sinh cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, ông tiết lộ rất ít. Ông thích điều hành bằng hành động chứ không phải lời nói. Khi tất cả đã được nói và hoàn thiện, ông luôn giữ bản thân ở tiêu chuẩn cao hơn mức ông đặt ra cho nhân viên.


Tim Cook và Steve Jobs (bìa phải)

Tim Cook trong vai CEO Apple

55 năm nay, Tim Cook tiết lộ ít tới mức ngoài cha mẹ và có thể là các anh em trai, không ai có ý niệm điều gì hình thành nên con người ông. Cook sống riêng, tự đi du lịch và hiếm khi nhìn thấy bên ngoài trụ sở Apple cùng đồng nghiệp. Theo những gì đồng nghiệp của ông biết, ông không có bạn thân. Trong một công ty nổi tiếng với việc giữ bí mật, Cook vẫn nổi bật vì sự khép kín của mình.

Dù vậy, vài tháng gần đây, ông bắt đầu chia sẻ một chút về triết lý quản lý và kế hoạch. Trong các tuyên bố trước công chúng, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của làm việc chăm chỉ, sự chuẩn bị, tập trung. Khi phát biểu trước sinh viên trường Kinh tế Fuqua mùa xuân năm 2013, ông cho biết các quyết định quan trọng nhất đều dựa vào trực giác dù ông là dân kỹ thuật.

Cook dường như hiểu rằng mọi người đều trông chờ vào ông để tiếp nối cố Tổng Giám đốc thiên tài Steve Jobs. Và thật sự, ông nói đầy đam mê về những gì được thừa hưởng: “Tôi tìm thấy ở Apple một công ty tin tưởng sâu sắc vào tiến bộ của nhân loại thông qua các sản phẩm và thông qua sự bình đẳng giữa tất cả nhân viên”.

Những ngày đầu lãnh đạo Apple, khi sự ra đi của Steve Jobs vẫn còn đè nặng trong tâm trí mọi người, Cook đã gượt qua nỗi đau để mang lại sự bình yên cho các nhà đầu tư và nhân viên Apple. Ông thăng chức cho một trong những cánh tay phải của Jobs, Eddy Cue, lên vị trí Phó Chủ tịch cao cấp. Ông lập quỹ từ thiện cho nhân viên Apple. Ông bước xuống quầy café giờ ăn trưa để gặp gỡ và nói chuyện với đồng nghiệp, khác với Jobs, người chỉ dùng bữa cùng Ive gần như mỗi ngày. Không giống như Jobs, Cook chia sẻ hào quang cùng Ive và các lãnh đạo Apple khác. Ông công khai bày tỏ sự ủng hộ với các vấn đề môi trường, cải cách nhập cư và quyền của người đồng tính.

Năm ngoái, Cook bắt đầu tiết lộ chiến lược dành cho công ty. Ông tăng cường các nỗ lực bán lẻ bằng cách tuyển CEO Burberry Angela Ahrendts làm Phó Chủ tịch mảng bán lẻ và cửa hàng trực tuyến. Ông trả 3 tỷ USD mualại nhà sản xuất tai nghe Beats để mang chuyên gia nhạc online Dr. Dre và Jimmy Iovine về với Apple. Ông hợp tác với IBM để phát triển dòng phần mềm doanh nghiệp độc quyền trên iPhone, iPad.

Theo tác giả Kane, Cook bắt đầu thực hiện các quyết định mà Steve nếu còn sống không bao giờ làm. Cuối cùng, ông đã có thể trở thành một Tim Cook tốt nhất. Song, đó đều là các quyết định thuần chiến lược. Điều cần quan sát là liệu Cook có mang lại một sản phẩm có tính cách mạng làm nên biểu tượng như Jobs hay không. Cook nhấn mạnh sự thần kỳ của Appke không bao giờ đến từ tay của một cá nhân mà là tinh thần sáng tạo có trong huyết quản công ty. Nó là kết quả của vũ điệu giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ. “Điều kỳ diệu xảy ra tại nơi cả ba hội tụ”.

Nhà thiết kế Ive cũng ủng hộ quan điểm này. “Sự đổi mới tại Apple luôn là cuộc chơi đồng đội. Bạn luôn luôn có các nhóm nhỏ làm việc cùng nhau… Steve đã thiết lập một bộ giá trị, ông ấy lập ra các nguyên tắc với một nhóm. Tôi vô cùng may mắn là một phần của nó nhưng Tim mới là phần quan trọng của tập thể đó”.

Tác giả bài viết: Du Lam (Tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP