Kinh tế

CEO Phạm Văn Tam: 'Chúng tôi IPO để xuất khẩu sang châu Á'

Hoạt động hiệu quả với mức tăng trưởng ổn định, Asanzo bất ngờ công bố kế hoạch phát hành cổ phiểu lần đầu với mục tiêu xuất khẩu sang châu Á.

Ra đời cuối năm 2013, Asanzo đã có những bước phát triển khi vươn mình thành một tập đoàn điện tử lớn với các sản phẩm TV, điện lạnh, điện gia dụng và smartphone được thị trường bình dân ưa chuộng. Năm 2017, doanh thu của hãng đạt hơn hơn 4620 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Nước đi phù hợp xu thế

Mới đây, ông Phạm Văn Tam - chủ tịch Asanzo bất ngờ tiết lộ kế hoạch tái cấu trúc toàn diện và hướng tới mục tiêu IPO trong năm 2021 của tập đoàn. Theo đó Asanzo sẽ phát hành khoảng 30-40% số cổ phần của doanh nghiệp.

Trong mỗi đợt huy động vốn, tập đoàn đặt mục tiêu sẽ nhận được mức đầu tư khoảng 300-400 tỷ đồng, phục vụ mở rộng sản xuất theo từng giai đoạn, không ồ ạt. Sau IPO, Asanzo cũng tiếp tục triển khai kế hoạch chuẩn bị lên sàn chứng khoán.

CEO Asanzo nuôi hy vọng xuất khẩu hàng điện tử Việt ra châu Á.

Asanzo vốn là mô hình hoạt động từ một doanh nghiệp khởi nghiệp mang yếu tố gia đình có mức tăng trưởng trung bình gấp đôi sau mỗi năm. Việc chuyển sang một công ty đại chúng có quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển tự nhiên của một doanh nghiệp hiện đại. Điều này đòi hỏi sự thay đổi không nhỏ về ý thức và tinh thần của các nhân viên cũng như ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Hiểu rõ điều này, CEO Phạm Văn Tam cho biết Asanzo sẽ tổ chức các hoạt động tập huấn nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm với sản phẩm, ý thức về việc đáp ứng nhu cầu của thị trường, theo đuổi chiến lược hoạt động của doanh nghiệp cho các thủ trưởng của mỗi đơn vị trong tập đoàn. Cá nhân ông cũng chuyển giao dần các công việc sang những bộ phận chuyên trách.

“Tôi sẽ không thể tự xắn tay áo làm hết tất thảy mọi việc như trước. Asanzo cần là một tập đoàn đa ngành, quy mô lớn, chuyên nghiệp trong từng khâu hoạt động”, ông Tam cho biết.

Song song đó, tập đoàn cũng đang đẩy mạnh quá trình hoàn thiện bộ máy hoạt động, minh bạch hóa sổ sách, phát triển về công nghệ cũng như tập hợp nhân sự chuyên về tài chính để chuẩn bị cho công tác huy động vốn. Các buổi roadshow, hoạt động tiếp xúc với nhà đầu tư tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nguồn lực kinh tế lớn cũng sẽ được thực hiện trong giai đoạn này.

Xây dựng nguồn vốn cho mục tiêu "xuất ngoại"

Theo chủ tịch hãng điện tử Việt đây chỉ là những bước đầu tiên trong lộ trình đưa Asanzo trở thành tập đoàn công nghệ đa ngành hàng đầu Việt Nam và vươn tầm ra quốc tế mà ông đang nhắm đến. Trước mắt, IPO sẽ giúp Asanzo giải quyết vấn đề nguồn vốn để giữ vững tăng trưởng và phát triển ổn định.

IPO được xem là nước đi phủ hợp xu thế.

“5 năm trước tôi khởi nghiệp với vốn tự có và phát triển dần với sự hỗ trợ của các ngân hàng. Tuy nhiên mức vay hiện tại chỉ đảm bảo 50% dòng tiền hàng tháng, không đủ cho nhu cầu tiếp tục mở rộng sản xuất của Asanzo.

Trong khi đó các tập đoàn nước ngoài sản xuất linh kiện cho chúng tôi ngỏ ý đầu tư vào Việt Nam. Tranh thủ cơ hội này, tôi cho rằng IPO là phương án khả thi và hợp lý. Quan trọng hơn, tôi muốn lấy IPO làm bước đệm để công khai, minh bạch hoạt động doanh nghiệp, gia tăng sức ảnh hưởng, uy tín của Asanzo trong và ngoài nước”, nhà sáng lập Asanzo chia sẻ về lý do theo đuổi mục tiêu IPO.

Với nguồn vốn huy động được, Asanzo trước tiên sẽ nâng cấp công suất của các nhà máy, mở rộng sản xuất phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Hiện tại, khả năng sản xuất tối đa của cả tập đoàn là 4 triệu sản phẩm/năm, trong đó gồm có tivi, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và chỉ hoàn toàn phục vụ nhu cầu trong nước.

Trong tương lai, Asanzo đặt mục tiêu nâng công suất lên mức 10 triệu sản phẩm/năm. Những sản phẩm công nghệ mới như Smartphone, laptop, máy tính bảng, tay nghe, lao không dây… dự kiến chiếm tỷ lệ 30% trong tổng công suất, thay vì chỉ 10% như hiện nay. 3,5 triệu sản phẩm phẩm sẽ phục vụ nhu cầu nội địa, số còn lại sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào...

Asanzo đặt mục tiêu nâng công suất lên mức 10 triệu sản phẩm/năm.

Ước mơ nâng tầm điện tử Việt

Một trong những mục tiêu tiếp theo của CEO Phạm Văn Tam là xây dựng một khu công nghiệp điện tử tại Việt Nam có diện tích tối thiểu 100 ha dành riêng cho Asanzo và các đối tác cung cấp linh kiện, các doanh nghiệp điện tử trong nước từ nguồn vốn IPO.

“Đây sẽ là ‘đại bản doanh’ của Asanzo, nơi tập trung tất cả dây chuyền sản xuất của các dòng sản phẩm điện tử, công nghệ mà chúng tôi đang phát triển. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất bao bì, khuôn mẫu, linh kiện... đều sẽ hoạt động tập trung. Việc này trước hết có lợi cho Asanzo, sau đó phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong, ngoài nước”, CEO Asanzo chia sẻ.

Hãng công ty Việt cần trang bị nhiều tiềm lực để vươn mình khỏi phạm vi khu vực.

Theo ông Tam, hiện nay các khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chọn hướng đi an toàn, chỉ cung cấp cơ sở vật chất rất cơ bản như công xưởng, nhà kho, đất trống để nhiều đơn vị thuộc các ngành nghề khác nhau đều có thể thuê. Đó trở ngại rất lớn cho ngành điện tử vốn mang đặc thù cần có những quy chuẩn sản xuất khắt khe như nhiệt độ, độ ẩm, độ thoáng khí, các yếu tố đảm bảo an toàn lao động, môi trường...

Khu công nghiệp dành riêng cho ngành điện tử của Asanzo sẽ đáp ứng tất cả những quy chuẩn đó. Hiện tại đã có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp linh kiện cho Asanzo ngỏ ý muốn tìm cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất đang tăng cao tại các nước châu Á khác. Đây là cơ sở để chủ tịch Phạm Văn Tam tin tưởng vào thành công với kế hoạch thành lập khu công nghiệp của mình.

Trong giai đoạn đầu, CEO Asanzo kỳ vọng sẽ thu hút được 10-20 công ty đến hoạt động tại khu công nghiệp mới. Trong đó sẽ có các doanh nghiệp cung cấp linh kiện từ châu Âu, châu Á cũng như các doanh nghiệp điện tử trong nước, các startup mới thành lập thuộc lĩnh vực này. Qua đây cũng từng bước tăng dần tỷ lệ nội địa hóa ngành sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ và thu hút FDI, nâng tầm cho ngành điện tử Việt Nam.

Tác giả: Giang Di Linh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP