Kinh tế

CEO gửi tâm thư sau khi FLC bị hủy niêm yết, quyền lợi cổ đông sẽ ra sao?

Tổng giám đốc FLC Bùi Hải Huyền giãi bày hoàn cảnh và lý do đẩy cổ phiếu FLC đến bước đường bị HoSE hủy niêm yết.

Trong ngày hôm nay (17/2), bà Bùi Hải Huyền - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - chính thức gửi thông báo tới cổ đông công ty về vấn đề cổ phiếu FLC của tập đoàn này bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) hủy niêm yết.

Hủy niêm yết: Vì đâu nên nỗi?

Thông báo nhắc lại việc ngày 14/2 HoSE đã ban hành thông báo hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC kể từ 20/2 tới do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu FLC được HoSE cho hay nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Trong văn bản gửi tới cổ đông FLC, nữ CEO chia sẻ sự đồng cảm của lãnh đạo tập đoàn với cổ đông trước sự kiện nói trên và hiểu rằng việc này "là một sự kiện khó lòng có thể chấp nhận", "mang lại sự phiền lòng, sự khó chịu" đối với cổ đông.

Kể từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung bị tạm giam, FLC phải đối mặt với nhiều nguy cơ và khó khăn (Ảnh minh họa: Tổng hợp từ website FLC).

Bà Huyền cũng thay mặt HĐQT, ban điều hành FLC xin lỗi cổ đông, mong muốn cổ đông hiểu, tiếp tục đồng hành. Về việc FLC bị hủy niêm yết, bà cho biết phía tập đoàn và các đơn vị thành viên đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong hoạt động kể từ khi cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết và cựu Phó chủ tịch HĐQT Hương Trần Kiều Dung bị bắt tạm giam.

Sự việc phát sinh khiến doanh nghiệp không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho các báo cáo tài chính (BCTC) năm 2021. Phải đến tháng 9/2022, FLC mới tìm kiếm được công ty kiểm toán. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, cho đến nay phía công ty kiểm toán vẫn chưa thể phát hành báo cáo kiểm toán đối với BCTC năm 2021 của Tập đoàn FLC.

Phía doanh nghiệp này cho hay nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan, ban ngành chức năng trình bày về lý do khách quan khiến chưa có được BCTC kiểm toán năm 2021 và đề nghị được chấp nhận đây là tình trạng bất khả kháng, không xem xét việc đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết với cổ phiếu. Kiến nghị trước đó là vào tháng 8/2022, gần đây nhất là ngày 10/2. Đến ngày 14/2, thông tin hủy niêm yết FLC từ 20/2 xuất hiện.

Cần có BCTC năm 2021 kiểm toán, FLC mới thực hiện được nghĩa vụ công bố thông tin. Tuy nhiên, theo lãnh đạo doanh nghiệp thì việc này nằm ngoài tầm kiểm soát và là sự kiện bất khả kháng. Ngay trong ngày 14/2, FLC tiếp tục có văn bản kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu.

Sau khi bị hủy niêm yết trên HoSE, cổ phiếu FLC sẽ được giao dịch trên UPCoM với biên độ dao động lớn hơn (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Rời HoSE, số phận cổ phiếu FLC ra sao?

Giải đáp mối băn khoăn nhất hiện nay về quyền lợi của cổ đông sau khi cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, bà Bùi Hải Huyền khẳng định, cổ đông vẫn được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Trong mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt đối với các cổ phiếu FLC đang sở hữu, được đảm bảo quyền tham gia họp đại hội cổ đông, quyền biểu quyết, quyền bầu cử và ứng cử thành viên HĐQT...

Lịch sử giá cổ phiếu FLC tới thời điểm bị đình chỉ giao dịch (Nguồn: Tradingview).

Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 133 Nghị định 155/2020 của Chính phủ về thời gian thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM: "Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở Giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết".

Phía FLC cho biết sẽ thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên UPCoM sau khi HNX ra quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch.

Trước đó, ngày 14/12, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đăng tải thông tin cho biết cơ quan này đã ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Với quyết định này, xấp xỉ 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20/2 tới, giá trị chứng khoán hủy niêm yết theo mệnh giá là 7.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của FLC trên HoSE chỉ ở mức 3.570 đồng tương ứng giá trị vốn hóa của FLC là 2.534,7 tỷ đồng.

Lý do cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết trên sàn HoSE xuất phát từ việc tập đoàn này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Nghị định 155 năm 2020 của Chính phủ.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP