Hoàn cảnh bi đát đó là của bố con ông Lê Văn Hảng (thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Chúng tôi đến thăm bố con ông Hảng khi cái Tết vừa chỉ qua mấy ngày, thế nhưng trong nhà đã không còn thứ gì để ăn. Bữa cơm của hai bố con chỉ là một nồi cơm và một nồi đựng ít nước mắm chõng trơ giữa mâm. Ông Hảng đang nịnh đứa con hơn 40 tuổi của mình như nịnh một đứa con nít “ăn đi con, mai bố mua thịt nhé”. Cậu con trai ngẩn ngơ chỉ chờ nghe có thế, gật đầu rồi ngồi ăn bát cơm không ngon lành.
Dù Tết vừa qua mấy ngày, bữa cơm của bố con ông Hảng vẫn chẳng có thức ăn gì. |
Thấy chúng tôi đến, ông Hảng buông bát cơm, nước mắt chực trào. Trên khuôn mặt già nua nhăn nheo, tôi cảm nhận được nỗi đau khổ tột cùng của người cha này. Như để giải thích cho việc dù Tết vừa qua nhưng bữa cơm chẳng có gì để ăn, ông bảo Tết thì bà con hàng xóm thương cho ít đồ ăn chứ nhà ông làm gì có Tết.
Đúng là trong căn nhà chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông nhưng vẫn trống huơ trống hoác vì chẳng có đồ đạc gì, đến cái nồi cái bát cũng trở nên cáu bẩn. Ông Hảng bảo dọn rửa xong thì con trai lại mang ra bày biện, vứt lung tung, dọn đằng trước thì con bày đằng sau.
Ông Hảng là người lính, ngày xưa chinh chiến với quân thù chẳng sợ điều gì, vậy mà giờ ông lại sợ chính đứa con của mình. Ông sợ lắm khi con trai bất ngờ lên cơn, xé tan quần áo, phá hết đồ đạc rồi có khi còn đuổi cả người cha dứt ruột đẻ ra của mình ra khỏi nhà. Ông sợ những đêm mưa gió, rét căm căm, con bỏ nhà đi khiến ông rạc chân đi tìm. Ông sợ những ngày trong nhà chẳng còn gì để ăn, ông có thể nhịn đói chứ để con trai nhịn thì ông xót xa vô cùng….
Gần 20 năm qua, ông Hảng phải chăm đứa con trai mình như đứa con nít lên ba. |
Ông bảo chẳng biết kiếp trước ông làm điều gì có tội, mà kiếp này cả cuộc đời chỉ sống trong khổ sở, tủi nhục. Vợ chồng ông lấy nhau, hiếm muộn đến hơn chục năm mới sinh được hai người con. Con trai đầu là Lê Văn Trường (SN 1978). Tưởng rằng Trường là niềm hy vọng, tự hào của gia đình khi anh được bố mẹ lo học hành đến nơi đến chốn và làm trong ngành công an. Thế nhưng, mới chỉ vào ngành được vài năm thì bất ngờ tai họa ập đến.
Trường bị tai nạn trên đường đi làm về. Dù đã được cứu sống, thoát khỏi tử thần, nhưng con trai ông Hảng đã trở nên ngẩn ngơ từ đó.
“Con trai thứ 2 thì cũng không bình thường do ảnh hưởng di chứng của những năm tôi phục vụ trong quân ngũ có bị phơi nhiễm chất độc da cam. Nó cũng lấy được vợ nhưng vợ chồng nó quanh năm trong diện hộ nghèo, chẳng nhờ vả được gì. Dù bao nhiêu năm đi lính thế nhưng khi trở về không còn giấy tờ nên bố con chẳng được hưởng trợ cấp gì cả” – ông Hảng buồn bã cho biết.
Đau đớn hơn là chỉ 3 năm sau ngày con trai đầu bị tai nạn, vợ ông Hảng cũng bỏ bố con ông về với tổ tiên vì căn bệnh hiểm nghèo. Gần 20 năm qua, ông một mình gồng gánh nuôi con. Ngày còn khỏe, ông đi phụ hồ, đi làm thuê cho người ta để kiếm đồng thù lao mua thức ăn cho con. Mấy năm nay, sức khỏe đã không còn, trái gió trở trời chân lại đau nên bố con ông chỉ sống nhờ vào mấy trăm trợ cấp của nhà nước.
Đứa con trai bệnh tật của ông không biết gì, đến bữa ăn, ông nấu cơm dọn ra, rồi nịnh để nó ăn. Ăn xong ông lại lo giặt khăn, lau chùi mồm cho nó, rồi dọn dẹp, rửa chén, bát.
Từ một chiến sỹ công an, sau vụ tai nạn anh Trường trở nên ngẩn ngơ, suốt ngày đi lang thang. |
Mỗi ngày phải nhắc và dắt nó đi vệ sinh. Nếu bữa nào ông quên, hay mệt không đưa nó đi được là tiện đâu, cậu ta lại đùn ra đó, ông lại phải gượng dậy mà lau dọn.
“Nhiều lần đang trong bữa ăn, nó vừa ngồi ăn, vừa đại tiện ngay giữa nhà luôn. Có ngày nó lên cơn xô mình ngã tưởng gãy tay, rồi mưa gió, rét căm căm thì nó đi đâu chẳng thấy. Sợ con đi ra đường xe đụng, tôi lại phải đi tìm nó, vừa đau đớn trong cơ thể, vừa đau đớn ở trong tim, tủi lắm cô ạ. Giá mà mẹ nó còn sống thì còn đỡ, một thân một mình nhiều lúc chỉ muốn chết quách cho xong. Nhưng nghĩ mình chết rồi thì ai nuôi nó…” - ông Hảng gạt nước mắt kể lại.
Ông bảo ở cái tuổi này, đủ thứ bệnh, đau khắp trong cơ thể cả ở trên đầu, chỉ ước được một lần đi bệnh viện xem mình bị bệnh gì nhưng đến cái ăn bố con ông còn phải lo từng bữa thì làm sao có tiền đi khám bệnh.
Người cha già nhiều lúc bất lực chỉ muốn chết nhưng vì con ông lại không thể. |
Cuộc sống của bố con ông Hảng cứ lặng lẽ trôi đi với bao nỗi tủi khổ, nhọc nhằn. Ông bảo ở tuổi này chết cũng được rồi chỉ lo đứa con ngẩn ngơ không biết sẽ sống ra sao rồi ông khóc- những giọt nước mắt đục ngầu rớt ra từ hõm mắt sâu hoáy khi mường tượng ra cảnh đứa con khốn khổ không biết nương tựa vào ai khi mình nằm xuống...
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 3262: Ông Lê Văn Hảng, thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa |
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí