Thể thao

Cầu thủ Việt kiều khó "sống" ở V-League

V-League cuối tuần trước chứng kiến một vụ lùm xùm hy hữu. Trên sân cỏ, đôi khi người ta vẫn thấy các cầu thủ xảy ra va chạm và có ý định gây gổ với đối phương, đằng này, vụ lùm xùm kia lại nổ ra giữa những người nhà với nhau. Đó là sự việc xảy ra trong trận Hải Phòng thua Cần Thơ 2-3 tại vòng 22.

Đặng Văn Lâm (ngoài cùng bên phải) không được lòng các đồng đội bản xứ


Khi hai đội đang hòa nhau 2-2 và trận đấu đi về những phút cuối, thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm mắc một sai lầm ngớ ngẩn, khiến tiền đạo Oseni của Cần Thơ có bàn ấn định thắng lợi 3-2. Kết quả này khiến Hải Phòng không thể trở lại ngôi đầu bảng và lung lay trên hành trình vô địch V-League.

Sau trận đấu, một cảnh tượng hiếm gặp đã xảy ra khi rất nhiều cầu thủ Hải Phòng to tiếng chửi bới, thậm chí muốn lao vào “ăn thua đủ” với chính đồng đội của mình, thủ thành Đặng Văn Lâm. Một số cầu thủ như Vương Quốc Trung, Lê Văn Thắng, Nguyễn Đình Bảo lao vào nhưng rất may đã được can ngăn kịp thời. Nhìn thái độ và câu nói của Lê Văn Thắng, rằng: “Bắt được mấy trận đã khệnh khạng”, người ta có thể dễ dàng thấy mối quan hệ giữa các cầu thủ Hải Phòng với Lâm “Tây” là tệ đến thế nào, bất chấp việc HLV Trương Việt Hoàng vẫn khẳng định đội bóng thành phố Cảng đang “là một khối thống nhất”.

Người ta đặt giả thiết, nếu đứng trong khung gỗ Hải Phòng khi đó là một thủ môn bản địa “xịn”, như Xuân Việt chẳng hạn, chưa chắc đã có sự cố hy hữu trên xảy ra. Từ trước tới nay, mối quan hệ giữa các cầu thủ nội địa và những cầu thủ Việt kiều, từ nước ngoài trở về thi đấu chưa bao giờ tốt. Sự khác biệt về đào tạo, văn hóa, thái độ và thậm chí là ngôn ngữ luôn khiến những cầu thủ gốc Việt, dù được đánh giá cao về tài năng, cũng luôn gặp khó khăn trong việc hòa đồng với môi trường V-League.

Điển hình nhất trong những cầu thủ Việt kiều bị “cách ly” chính là Lee Nguyễn. Về tài năng, khỏi cần bàn nhiều về tiền vệ sinh năm 1986 này. Anh là ngôi sao của giải nhà nghề Mỹ - MLS trong 2 năm liên tiếp và được HLV Klinsmann triệu tập vào đội tuyển Mỹ. Thế nhưng, khi về V-League thi đấu trước đây trong màu áo HAGL và Bình Dương, Lee chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Đá ở một vị trí “nhạy cảm” là tấn công, tài năng của Lee không thể được cộng hưởng và phát huy, khi mà đồng đội của anh không hợp tác. Có nhiều trận, Lee Nguyễn chìm nghỉm giữa hàng thủ đối phương vì đồng đội không cung cấp bóng cho. Ở nhiều CLB của Việt Nam, chuyện “kết bè kết phái” là chuyện không phải chưa từng xảy ra. Luôn có những nhóm lợi ích trong mỗi tập thể và thường mọi tân binh phải chiều lòng nhóm này nếu muốn tồn tại.

Không những thế, các cầu thủ khác khi đối đầu với Lee Nguyễn cũng đá rắn hơn để “đe” cầu thủ này trong bối cảnh anh được nhắc tới như một ngôi sao. Bên cạnh Lee Nguyễn, có nhiều tài năng Việt kiều từ nước ngoài trở về cũng không thực sự được chào đón nồng nhiệt. Đó là Michel Lê, Emil Lê Giang, Patrick Lê Giang hay Toni Lê Hoàng…

Họ không phải là không có tài năng, nhưng sự thiếu kinh nghiệm về bóng đá Việt, thiếu sự tinh tế để ứng xử với những “nhóm lợi ích” trong các đội bóng đã khiến họ thất bại. Lúc này, ở V-League đang có 2 cầu thủ Việt kiều nổi tiếng, là Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn. Thế nhưng, cả hai, dù cố gắng, nhưng không thể đặt dấu ấn sâu đậm trở thành trụ cột của đội bóng và họ đang phải cố trận nào hay trận ấy.

Trở lại với câu chuyện của thủ môn người Nga gốc Việt - Đặng Văn Lâm, tài năng từng được đào tạo ở Dynamo Moskva và Spartak Moskva này có lẽ đang cảm nhận được sự khốc liệt của V-League hơn bao giờ hết. Câu chuyện “đóng cửa bảo nhau” ở Hải Phòng có lẽ chỉ là hình thức, bởi sau sự cố vừa rồi, rạn nứt giữa mối quan hệ của Văn Lâm với những cầu thủ bản xứ lại càng trầm trọng hơn. Và nếu Hải Phòng không thể vô địch mùa này, tương lai của Lâm “Tây” ở đội bóng đất Cảng có lẽ sẽ khép lại.

Tác giả bài viết: Lê Vinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP