Lở bồi sông biển đối với Hội An không hề là vấn đề mới, điển hình như con sông Cổ Cò, bồi lở đến độ hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam đã hợp sức với nhau chống đỡ bao nhiêu năm nhưng vẫn không giải quyết nổi. Tuy nhiên lần này có khác vì bờ biển Hội An lần này lở trên toàn tuyến và nguy cơ sóng sẽ nuốt hàng ngàn tỉ đồng, xóa sổ một loạt các khu nghỉ mát 5 sao ven biển.
Trong khi chờ chính quyền can thiệp thì các doanh nghiệp “tự cứu” bằng đủ cách chắp vá, với đủ các kiểu kè, bêtông mái nghiêng, kè cứng, kè mỏ hàn... Các biện pháp này thiếu tính khoa học và đồng bộ, nên chỉ phát huy tác dụng trong việc giữ bờ ngay tại điểm kè, nhưng không có tác dụng trong việc ngăn xói lở, thậm chí còn gây họa cho các khu vực bờ lân cận. Chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, và kết quả cho biết, việc làm xói lở bờ biển nhanh và nghiêm trọng chính là các bờ kè xây cục bộ.
Những ngày qua, sóng gió trở chiều, bờ biển Cửa Đại lại có dấu hiệu bồi trở lại khiến người dân mừng. Tuy nhiên, bờ biển Cẩm An phía bắc lại có xu hướng lở nhiều hơn. Trước nỗi lo mưa bão năm 2017 đến gần, giữa tháng 3, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã vội vã mời các chuyên gia ngồi lại để tìm giải pháp cấp bách bảo vệ bờ biển Cẩm An thời gian tới.
Và sau nhiều lần hẹn hò, các chuyên gia hẹn lại như lần trước, chỉ công bố nguyên nhân xói lở mà không có một giải pháp gì khả dĩ, đồng bộ. Đến nỗi Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng đã phải lên tiếng, yêu cầu nhóm các chuyên gia cần thiết tham mưu cho Quảng Nam một giải pháp cấp bách bảo vệ bờ biển...
Một trong những nguyên nhân lở bồi bờ biển Cửa Đại được chỉ ra, chính là tình trạng thiếu cát trên các sông, do việc khai thác quá mức trên thượng du hai con sông Thu Bồn và Vu Gia, nguồn nước đổ ra cửa Hàn (Đà Nẵng) và cửa Đại (Hội An). Hiện cả hai bờ biển hạ du của các sông trên đều có hiện tượng xói lở giống nhau.
Ngày 5.6 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã phải ký tờ trình “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan xin được hỗ trợ cho Quảng Nam một dự án chống xói lở khẩn cấp với dự toán kinh phí là 65 tỉ đồng. Tuy vậy tờ trình này chỉ đề cập đến việc cấp kinh phí kè bờ, mà không đặt ra vấn đề gốc rễ là phải chấm dứt triệt để tình trạng khai thác cát quá mức trên các dòng sông.
Tác giả: Hiếu Bình
Nguồn tin: Báo Lao động