Tin địa phương

Cảnh giác sốt đất cục bộ ở Cần Thơ

Giá đất tăng mỗi ngày khiến nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thế chấp tài sản, vay mượn ngân hàng để lướt sóng.

Ghi nhận những ngày đầu năm 2019, đặc biệt là từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 3, cơn sốt đất cục bộ đã diễn ra mạnh mẽ tại một vài dự án có hạ tầng và vị trí tốt của TP Cần Thơ. Đặc biệt, đây đều là những dự án có “sổ đỏ” hẳn hoi để thuyết phục khách mua. Giá đất được các nhà đầu tư và những người chủ đất kêu giá tăng cao từ 50 đến 100 triệu đồng trong một ngày.

Giá đất tăng chóng mặt

Đại diện cho nhóm các dự án tăng giá sốc dịp này là dự án khu dân cư Nam Long - Hồng Phát thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ. Anh Nguyễn Văn Minh, một người dân Vĩnh Long, hồi tháng 11-2018 đã mua một nền đất diện tích 5,7 x 14 m tại dự án này với giá 1,6 tỉ đồng. Chỉ một tháng sau, nền đất này đã tăng lên 1,9 tỉ đồng. Tưởng giá vậy là đã lời to, anh Minh bán sang tay ngay. Nào ngờ đầu tháng 3 năm nay, giá giao dịch một nền tương tự đã là 2,4 tỉ đồng. “Choáng” hơn nữa, chỉ ngay trong ngày chúng tôi khảo sát, buổi chiều giá đã đội thêm 50 triệu đồng. Còn nhớ thời điểm tháng 9-2017, Nam Long - Hồng Phát bán ra một nền đất như trên chỉ với giá 550 triệu đồng.

Ngoài dự án trên, các dự án có đà tăng giá mạnh còn có khu tái định cư Trung tâm văn hóa Tây Đô, dự án khu dân cư Hồng Phát, dự án khu dân cư Hưng Phú 1... Giá đất nền có sổ đỏ tại đây tăng ở mức 100%-150% tùy vị trí.

Ghi nhận ở các khu vực xa hơn cho thấy đất nền tại khu dân cư Phú An diện tích 5 x 24 m giá dao động từ 1,8 đến 2,5 tỉ đồng/nền; dự án Thiên Lộc với diện tích 5 x 20 m giá cũng khoảng 1-1,3 tỉ đồng/nền; khu dân cư Hồng Loan loại nền 5 x 16 m có giá từ 1,3 đến 1,7 tỉ đồng. Các dự án này cũng tăng giá so với trước nhưng không ở mức sốc do vị trí khá xa trung tâm TP.

Từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) tại Cần Thơ phát triển mạnh mẽ, giao dịch sôi động, đặc biệt là đất nền ở các khu dân cư có triển vọng tốt, có sổ đỏ. Giao dịch nhà, đất trên địa bàn TP được giới kinh doanh đánh giá tốt nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Một số dự án có vị trí đẹp đang tăng giá mạnh ở Cần Thơ. Ảnh: DUY TÂN

Cẩn trọng hiện tượng khan hàng giả

ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại địa ốc Tín Phát, lý giải về sốt đất ở cần thơ: “Do không có dự án mới, đất nền dự án cũ đã cạn hàng, khan hiếm, buôn bán vòng vòng. Một số nhà đầu tư có tiền bung ra gom nền, sau đó tăng giá lên từng đợt theo kiểu bậc thang. Giá đất ở các khu đô thị Nam Cần Thơ lúc này đã lên khá cao so với một năm trước”.

Trong khi đó, ông Lê Huỳnh Hoàng Minh, Phó Giám đốc sàn giao dịch BĐS Mekong Land, cho rằng trong hai năm qua, khi thị trường tăng trưởng tốt thì không ít nhà đầu tư đã sẵn sàng thế chấp tài sản, vay ngân hàng để mua đất lướt sóng kiếm lời. Một số người có tiền nhàn rỗi cũng tham gia cuộc chơi bằng cách mua lại nhà cũ để nâng cấp, sửa chữa, bán lại kiếm lời. Các yếu tố này đã khiến giá đất tăng nhanh.

Về tình hình cho vay lĩnh vực BĐS, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, thông tin: “Đối với những dự án tốt, các ngân hàng thương mại vẫn chấp nhận cho vay chứ không hạn chế. Tuy nhiên, năm 2019 ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi thẩm định cho vay các dự án nhằm đảm bảo tính thành công của dự án”.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, tính đến cuối năm 2018, dư nợ cho lĩnh vực BĐS trên địa bàn đạt gần 7.000 tỉ đồng, chiếm gần 9% tổng dư nợ và tăng gần 30% so với cuối năm 2017. Mức tăng trưởng tín dụng này được xem là khá cao so với các năm trước đây.

Cùng với đó, giới kinh doanh sản phẩm này cũng có cái nhìn rất lạc quan, tin tưởng thị trường BĐS tại Cần Thơ vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, họ cũng thẳng thắn nhìn nhận sẽ cần có thêm những dự án mới từ các nhà đầu tư lớn để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Với xu hướng hiện tại, giá tăng sốc sẽ gây khó khăn cho người dân có nhu cầu mua để ở thực sự.

Một lưu ý nữa là phải cẩn trọng với tình trạng giới đầu cơ tranh thủ sốt đất để gom hàng, tạo nên hiện tượng khan hiếm giả tạo để hưởng chênh lệch, thao túng thị trường nhà, đất.

Đất nền dự án hiện nay khan hiếm, dự án mới thì ít và một vài dự án mới xin được chủ trương. Muốn có nền hoặc nhà, đất phải có thời gian trong khi nhu cầu nhà ở, đất ở trong dân còn khá lớn, đó cũng là nguyên nhân dễ sinh ra sốt đất cục bộ trên địa bàn TP.

Ông HUỲNH VĂN SÁU, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ

Tác giả: DUY TÂN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

  Từ khóa: sốt đất , cảnh giác , Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP