Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN |
Chiều 20/12, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đối với 3 xã Trường Long, Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ). Đây là những xã đầu tiên ở Cần Thơ được xét công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại cuộc họp, đại diện xã Trường Long, Phong Điền và Đông Hiệp báo cáo với Hội đồng thẩm định kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu. Theo đó, các xã nói trên cơ bản hoàn thành toàn bộ 8 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Xã Trường Long xây dựng nông thôn mới với những mô hình xây dựng tiêu biểu: tưới nước tiết kiệm, phun nước tự động ở ấp Trường Thuận; mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại các hợp tác xã trên địa bàn; mô hình phân loại rác tại nguồn ở hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường…
Mỹ Khánh được biết đến là địa phương phát triển mạnh về du lịch sinh thái với nhiều vườn cây ăn quả phục vụ du lịch. Xã tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu với hình mẫu về “Giao thông gắn với cảnh quan môi trường và phát triển du lịch sinh thái”; đồng thời xây dựng thành công mô hình “Ấp thông minh” tại ấp Mỹ Lộc và “Chợ thông minh 4.0” tại ấp Mỹ Phước.
Riêng xã Đông Hiệp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với hình mẫu về “tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” có sản phẩm OCOP, hợp tác xã làm ăn hiệu quả; xã cũng chọn ấp Thới Hữu là "Ấp thông minh".
Các thành viên Hội đồng thẩm định đều công nhận 3 xã Trường Long, Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và xã Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ) đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN |
Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Cần Thơ, sau khi các sở ngành xem xét đánh giá các tiêu chí thì 3 xã đều đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người/năm đạt vượt mức quy định, từ 76 - 77 triệu đồng/người/năm. Các địa phương đều có hợp tác xã làm ăn hiệu quả: hợp tác xã sản xuất lúa, gạo (xã Đông Hiệp); hợp tác xã Giọt Phù Sa, Hợp tác xã du lịch Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh); Hợp tác xã vú sữa (xã Trường Long)...
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đồng ý công nhận 3 xã Trường Long, Mỹ Khánh và Đông Hiệp là xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị, lãnh đạo các xã tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định để chỉnh sửa, bổ sung báo cáo. Đồng thời, các xã đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu cần phải hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí thiếu bền vững (bảo hiểm y tế, tiêu chí giảm nghèo...); quan tâm phát triển sản xuất có hiệu quả, nâng cao đời sống của người dân...
Nhận định, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị các sở, ngành hữu quan phối hợp với UBND các huyện quan tâm hỗ trợ các xã trong quá trình nâng chất các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố cần khẩn trương hoàn thành thủ tục, hồ sơ, trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ Nguyễn Văn Sử cho biết, theo kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm, Cần Thơ phấn đấu xây dựng 2 xã nông thôn kiểu mẫu trong năm 2023. Tuy nhiên, đến thời cuối tháng 12/2023 sẽ hoàn thành hồ sơ công nhận 5 hồ sơ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, năm 2023, Cần Thơ đã đạt và vượt chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, lũy kế, đến cuối năm 2023, Cần Thơ sẽ có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tác giả: Thu Hiền
Nguồn tin: bnews.vn