Tin địa phương

Cần Thơ: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương

Ngày 8/6, Thành ủy Cần Thơ, tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.

Thành phố Cần Thơ trải qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, triển khai phát triển mạnh mẽ, ứng dụng KH&CN phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương và định hướng phát triển chung của cả nước. Hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn thành phố có bước chuyển biến tích cực và đạt một số kết quả quan trọng, như: Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30,6% (năm 2020) so với tổng giá trị sản phẩm. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của thành phố giai đoạn 2014 - 2021 đạt 13,02%. Có 68 tổ chức có hoạt động KH&CN với số nhân lực hoạt động KH&CN là 6.405 người trong năm 2021.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trình bày kết quả thực hiện Nghị quyết 20.

Tổ chức KH&CN trên địa bàn thành phố có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; số lượng cán bộ KH&CN nghiên cứu và phát triển vượt mức 11 người trên một vạn dân; hình thành được 7 doanh nghiệp (DN) KH&CN.

Trong đó, số lượng đăng ký bảo hộ các sáng chế gia tăng đáng kể, từ năm 2012 đến nay, TP Cần Thơ có 81 đơn đăng ký sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận và 19 văn bằng bảo hộ sáng chế được cấp mới; số đơn sáng chế tăng 4,3 lần và số văn bằng bảo hộ sáng chế tăng 5,4 lần so với giai đoạn trước.

Đặc biệt, về số lượng các công trình công bố quốc tế, trong 10 năm qua thành phố đã có trên 588 bài báo, công trình khoa học do các nhà khoa học đang công tác tại các viện, trường, cơ quan trên địa bàn thành phố nghiên cứu, công bố ở các tạp chí uy tín quốc tế.

Phổ biến, quán triệt, thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 20

Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; các cơ quan báo, đài thành phố tăng cường thực hiện chuyên trang, chuyên mục lĩnh vực KH&CN bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển, ứng dụng KH&CN.

Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh các hoạt động phát triển, ứng dụng KH&CN gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, xác định 3 khâu đột phá, “Tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; lấy DN làm trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ; xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh”.

Ban Thường vụ cũng quán triệt thực hiện bằng nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH&CN trên địa bàn thành phố. Từ đó, cơ bản đưa Cần Thơ trở thành trung tâm KHCN của vùng ĐBSCL.

Song song đó, HĐND thành phố đã ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động sáng kiến, tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Tạo điều kiện để hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, húc đẩy xã hội hóa đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN.

Qua đó, TP Cần Thơ đã kịp thời ban hành các cơ chế quản lý hoạt động KH&CN ở địa phương, triển khai thực hiện các quy định về định mức chi cho hoạt động KH&CN. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện thực tiễn tại địa phương, đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại. Hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng và cải tiến các hệ thống quản lý chất lượng.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trao Bằng khen của TP Cần Thơ cho các tập thể.

Theo thống kê KH&CN năm 2021, số lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của thành phố hiện có 6.405 người, nhân lực có trình độ tiến sĩ là 842 người (trong đó có 21 giáo sư, 191 phó giáo sư chủ yếu hoạt động tại các cơ sở giáo dục đại học) chiếm tỷ lệ 13,14%, trình độ thạc sĩ 2.592 người chiếm tỷ lệ 40,47%, đại học là 1.934 người chiếm tỷ lệ 30,19%, cao đẳng 208 người chiếm tỷ lệ 3,44%. So với năm 2015, năm 2021 nhân lực có trình độ tiến sĩ tăng 2,2 lần, nhân lực có trình độ thạc sĩ tăng 1,32 lần. Hàng năm, đội ngũ cán bộ KH&CN thành phố tham gia thực hiện gần 900 đề tài.

Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự án kinh tế - xã hội, môi trường có tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân thành phố, xây dựng Chương trình KH&CN thành phố, triển khai các nhiệm vụ KH&CN bám sát vào chương trình và Quy hoạch phát triển KH&CN TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, lấy DN làm trung tâm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn để định hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật KH&CN được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, dự án đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật KH&CN đã và đang được thành phố từng bước triển khai, thực hiện; phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố về lĩnh vực KH&CN, y tế, giáo dục và đào tạo, xây dựng... Đặc biệt, thành phố đang triển khai thủ tục lập quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công nghệ cao Cần Thơ và 3 khu nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư.

Đến nay, nhiều tổ chức KH&CN trên địa bàn thành phố phát triển mạnh, nhiều tổ chức KH&CN của thành phố được thành lập như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; một số trường lớn trên địa bàn thành phố hình thành và phát triển trong giai đoạn này như: Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học FPT Cần Thơ, Cơ sở đào tạo của Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tại Cần Thơ… cùng với nhiều tổ chức KH&CN tư nhân ra đời có chức năng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, cung cấp các dịch vụ KH&CN.

Mục tiêu phát triển KH&CN đến 2030

Trong giai đoạn này, thành phố đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác như: Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình hợp tác KH&CN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KH&CN thành phố và vùng ĐBSCL; Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác giữa TP Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2020 - 2025; Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang - TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 và đã xây dựng các kế hoạch thực hiện.

Thành phố Cần Thơ quyết tâm thực hiện theo mục tiêu và định hướng đến năm 2030, KH&CN sẽ đóng góp 45-50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), đạt 45-50% tỷ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo, đầu tư cho KH&CN đạt 2% GDP. Bên cạnh đó, đóng góp từ xã hội cho nghiên cứu và phát triển chiếm 65-70% và số DN KH&CN, số DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ DN có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp. Đồng thời, định hướng đến năm 2045, KH&CN Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của một nước công nghiệp hiện đại.

Theo đó, thành phố sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ ưu tiên như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, y sinh học... trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, y - dược, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Quan tâm nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dân tộc và các vấn đề xã hội.

Tăng cường hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng suất chất lượng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, năng lực hấp thụ công nghệ của DN. Khuyến khích các tổ chức KH&CN, DN KH&CN hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Xây dựng và kết nối các sàn giao dịch công nghệ, thúc đẩy các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, triển lãm, trưng bày thành tựu KH&CN để phát triển thị trường KH&CN. Xây dựng và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành, trong đó các DN lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục tăng cường phát huy vai trò, tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thúc đẩy chuyển đổi tư duy từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp sang chủ động sáng tạo. Tập trung vào các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách phát triển thị trường KH&CN, thương mại hoá kết quả nghiên cứu.

Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm đầu tư hạ tầng KH&CN, đổi mới trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại cho các phòng nghiên cứu, thí nghiệm tại các viện, trường, trung tâm, đơn vị sự nghiệp KH&CN. Phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học và các viện, trường, doanh nghiệp vận hành và khai thác cơ sở vật chất, trang biết bị kỹ thuật đã được đầu tư cho các đơn vị. Kịp thời tôn vinh trí thức, nhà khoa học tiêu biểu, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự phát triển KH&CN nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh nói chung.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN với các quốc gia có chương trình, dự án hợp tác với TP Cần Thơ, mở rộng tìm kiếm các quan hệ hợp tác mới; nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ phù hợp để chuyển giao ứng dụng trong các lĩnh vực.

Tác giả: Khánh Ngọc

Nguồn tin: doanhnghiepvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP