Tin địa phương

Cần Thơ: Thành tựu hợp tác trong 20 năm qua

Xác định công tác hợp tác liên kết vùng và đối ngoại, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Cần Thơ. Trong 20 năm qua, việc hợp tác liên kết vùng và đối ngoại, hội nhập quốc tế của thành phố ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Ngày 31/12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (1/1/2004 - 1/1/2024). (Nguồn: TTXVN)

Hợp tác liên kết vùng ngày càng đi vào chiều sâu

Trong 20 năm qua, thành phố đã phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương trong vùng thực hiện các hoạt động liên kết phát triển, tạo sự gắn kết giữa các địa phương, phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát, xây dựng quy hoạch cấp vùng, quy hoạch thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xác định danh mục dự án trọng điểm của vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông và thủy lợi liên vùng, xây dựng các chương trình, dự án của tiểu vùng liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương.

Nhờ đó, các mối liên kết, hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành phố trong vùng không ngừng được cải thiện. Các lĩnh vực liên kết, hợp tác tập trung vào nhiều lĩnh vực quan trọng, là thế mạnh của vùng, phù hợp với xu thế phát triển mới như công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại - dịch vụ, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch...

Ngoài ra, việc thành phố chủ trì tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL tạo cầu nối hiệu quả cho liên kết vùng, thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các tỉnh, thành phố trong cả nước và có tiếng nói chung với các bộ, ngành Trung ương trên cơ sở khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của từng địa phương và vùng, đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại, du lịch; cung cấp các kênh thông tin, tư vấn cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, mang lại chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy hoạt động liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng chưa mang lại hiệu quả cao, còn dừng ở những thỏa thuận mà chưa triển khai thành công việc, chương trình, dự án mang lại kết quả cụ thể, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế

Bên cạnh công tác hợp tác liên kết vùng, các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được thành phố chú trọng đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao. Thời gian qua, thành phố đón tiếp nhiều đoàn khách cấp cao quốc tế cũng như tổ chức nhiều sự kiện lớn trên địa bàn; tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại các nước và tại thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn tích cực tổ chức, tham gia trên 500 hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư, thương mại quốc tế, sự kiện giao lưu văn hóa - thương mại bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cụ thể, thành phố đã tham gia vào ba tổ chức quốc tế: 100 thành phố có khả năng chống chịu (100 Resilient Cities) vào tháng 9/2016, Hiệp hội quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) vào tháng 12/2018 và Thỏa thuận toàn cầu của các Thị trưởng về khí hậu và năng lượng (GCoM) vào tháng 2/2019. Theo đó, các hoạt động tập trung trên các lĩnh vực như quản lý và phát triển đô thị, biến đổi khí hậu, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh mạng… Đây là những lĩnh vực mà thành phố thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, trong quá trình tham gia các tổ chức quốc tế, thành phố chủ động đề xuất và được tư vấn hỗ trợ thực hiện một số hoạt động, dự án trong khuôn khổ các lĩnh vực của các tổ chức quốc tế như: xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu của thành phố đối với ngập lụt và ô nhiễm môi trường thông qua phát triển cơ sở hạ tầng xanh, đánh giá khả năng chống chịu của chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực; khảo sát, đánh giá kiểm kê khí nhà kính, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; chuỗi hoạt động “Cộng đồng hành động cho một đô thị bền vững” cải thiện không gian công cộng, nâng cao ý thức cộng đồng về môi trường và tạo sân chơi cho trẻ em…

Trong 20 năm qua, thành phố ký kết 124 bản ghi nhớ hợp tác với đối tác nước ngoài trên các lĩnh vực giáo dục, xây dựng, công nghệ, môi trường, kinh tế - xã hội; thu hút hơn 40 đối tác là các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện khoảng 50 dự án phi chính phủ trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nước sạch nông thôn, ứng phó biến đổi khí hậu…

Đồng thời, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành trung ương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị, trong đó có Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Diễn đàn đầu tư và thương mại Nhật Bản – Mekong, Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada, Tuần lễ Văn hóa Campuchia, Ngày Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc và Họp mặt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Ngày Indonesia tại thành phố Cần Thơ...

Phương hướng trong thời gian tới

Nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được và thúc đẩy công tác phối hợp liên kết vùng và đối ngoại, hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn nữa, góp phần quan trọng vào sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, chính quyền thành phố Cần Thơ đề ra nhiều phương hướng cho lĩnh vực công tác này như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế gắn với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa, vận dụng sáng tạo, linh hoạt bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả các cam kết, thỏa thuận quốc tế. Xúc tiến thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư vào thành phố thông qua việc phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tổ chức các chương trình, sự kiện như các hoạt động kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.

Thứ hai, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Chủ động đề xuất các phương án, lĩnh vực hợp tác phù hợp theo nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm vùng của thành phố và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Xây dựng trung tâm thu thập và xử lý thông tin hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về vùng ĐBSCL, phục vụ mục tiêu phát triển và quản lý vùng.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, các nhà khoa học trong, ngoài vùng và ở nước ngoài, với các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, cơ sở giáo dục - đào tạo, cơ quan nghiên cứu khoa học và hợp tác xã, tổ sản xuất trong nông nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của vùng. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường do thành phố quản lý. Kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic lớn có khả năng kết nối tốt với các cảng, các tuyến vận tải chính...

Thứ tư, tăng cường hơn nữa vai trò của thành phố trong Hội đồng điều phối vùng trong huy động, phân bổ nguồn lực, ngân sách, các quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng liên vùng trong khuôn khổ hợp tác; tăng cường hợp tác và kết nối giữa các Bộ, ngành với chính quyền địa phương với cam kết mạnh mẽ gắn với trách nhiệm, hành động từng cơ quan, tổ chức các cấp; liên kết mạnh mẽ với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, giữa vùng với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Tác giả: ĐINH TẤN PHONG

Nguồn tin: baoquocte.vn



BÀI MỚI ĐĂNG

TOP