Tin địa phương

Cần Thơ sẽ đầu tư 2 khu chăn nuôi, giết mổ tập trung gia súc, gia cầm

Ngành nông nghiệp Cần Thơ đã đưa ra những giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi theo quy hoạch của thành phố, giải quyết khó khăn về vốn, về giống cũng như phát triển thị trường để lĩnh vực chăn nuôi gia súc, ga cầm của Cần Thơ phát triển ổn định, bền vững theo quy hoạch.

Để phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ đã phối hợp với các quận, huyện, các sở, ban, ngành có liên quan trên địa bàn thành phố đồng hành với người chăn nuôi trong triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Cần Thơ. Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyển từ chăn nuôi truyền thống, hộ gia đình quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp và ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp Cần Thơ đang phối hợp với các quận, huyện đề xuất quy hoạch khu chăn nuôi theo hướng tập trung, hướng đến nuôi lợn theo hình thức bán công nghiệp và công nghiệp trên 70%, và trên 45% đối với gia cầm. Ngoài ra, trong kế hoạch thì Cần Thơ sẽ đầu tư 2 khu chăn nuôi, giết mổ tập trung tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ với quy mô là 264 hecta và tại xã Đông Bình, huyện Thới Lai với quy mô khoảng 333 hecta. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm phù hợp phù hợp với phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo quy hoạch của thành phố.

Ngành nông nghiệp Cần Thơ đang phối hợp với các quận, huyện đề xuất quy hoạch khu chăn nuôi theo hướng tập trung

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ Nguyễn Văn Sử, ngành nông nghiệp cũng thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho 14 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn về chứng nhận VietGap; hỗ trợ chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 22 cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm nay, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ tiếp tục hỗ trợ, chứng nhận cho các cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap và cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

"Ngành cũng thực hiện phối hợp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh rồi chăn nuôi hữu cơ, các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi khi có gia súc, gia cầm tiêu hủy bắt buộc giúp người chăn nuôi khôi phục, tái đàn. Hàng năm thực hiện chính sách là hỗ trợ vaccine cúm gia cầm cho các cái hộ chăn nuôi có quy mô dưới 2.000 con, thì bình quân có 3 triệu liều vaccine trên năm hỗ trợ cho các đối tượng" - Ông Nguyễn Văn Sử cho biết.

Tác giả: Phạm Hải

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: nông nghiệp , Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP