Tình trạng sạt lở ở TP Cần Thơ ngày càng diễn biến phức tạp. |
Tần xuất và mức độ sạt lở ngày càng nhiều
Theo ghi nhận thực tế của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn TP Cần Thơ những năm gần đây diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ ngày một gia tăng đã khiến cho nhiều hộ dân sinh sống trên các tuyến sông, rạch có nguy cơ sạt lở khi mùa lũ về càng thêm lo lắng về tính mạng và tài sản của gia đình. Mặc dù ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp công trình hay phi công trình nhưng sạt lở chưa dừng lại. Từ đầu năm đến nay TP Cần Thơ đã ghi nhận 7 điểm sạt lở, làm 4 căn nhà trôi sông và 18 căn nhà phải di dời khẩn cấp, thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng, tần suất tăng gần gấp đôi so với 5 năm về trước.
Trở lại khu vực sạt lở nghiêm trọng khiến 4 căn nhà rớt xuống sông xảy ra ở huyện Vĩnh Thạnh, đã qua hơn 1 tháng nhưng nhắc lại người dân tại ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh vẫn còn bàng hoàng. Ông Lê Văn Vĩnh là người thiệt hại nặng nhất, toàn bộ đồ đạc bị trôi hết xuống sông, rất may không có thiệt hại về người. Ông Vĩnh nhớ lại, sự việc xảy ra quá nhanh, người trong nhà chỉ biết bỏ chạy ra ngoài. Trước khi xảy ra sạt lở chỉ có tiếng động nhẹ giống như vết nứt, khoảng gần 30 phút sau thì sạt hoàn toàn, không kịp thu dọn đồ đạc…
Trước tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, nhiều người dân bị mất nhà cửa trong khi chính quyền chưa bố trí được chỗ ở nên phải tự lo liệu, các hộ dân sinh sống gần khu vực có nguy cơ sạt lở hiện đang rất hoang mang vì tài sản và tính mạng có thể bị trôi sông bất cứ lúc nào. Nhưng dù nhận thức rõ nguy hiểm đang rình rập, nhiều hộ vẫn không muốn đi nơi khác bởi đây là nơi họ sinh sống đã quen.
Theo chia sẻ của lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh, những năm gần đây huyện được xem là địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở bậc nhất của thành phố, ảnh hưởng tới các công trình giao thông nông thôn. Ngoài Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt nằm cạnh sông Hậu cũng là địa bàn xảy ra nhiều vụ sạt lở. Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng quận này đã ghi nhận 33 điểm sạt lở lớn nhỏ.
Khẩn trương di dời dân
Mới đây UBND TP Cần Thơ đã làm việc với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cùng các sở ngành, quận huyện trên địa bàn thành phố bàn về phương án ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông. Đặc biệt trong buổi làm việc này TP Cần Thơ đã đề ra lộ trình cụ thể đến năm 2030 sẽ tiến hành dẹp bỏ hoàn toàn nhà sàn ven sông lấn chiếm sông, kênh, rạch để phòng sạt lở.
Ông Nguyễn Hữu Tặng – Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt cho biết, hiện quận đang thi công bờ kè tuyến kênh Bò Ót, nơi tiếp giáp với sông Hậu với kinh phí trên 28 tỷ đồng. Dự án kè sẽ đảm bảo đời sống của người dân, còn các điểm sạt lở khác, chính quyền địa phương đang vận động các hộ sinh sống di dời lên bờ, tiến hành gia cố tạm và khi có vốn sẽ thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bên cạnh đó, địa phương cương quyết không cho phát sinh nhà ven sông và thời gian tới sẽ tiến hành xóa hết nhà trên các tuyến sông, rạch để đảm bảo tính mạng người dân và hạn chế sạt lở.
Theo ông Nguyễn Hữu Tặng, quận Thốt Nốt cũng đã đưa ra lộ trình cụ thể để di dời các hộ dân sinh sống trên kênh, rạch làm sao 10 – 15 năm nữa sẽ không còn hộ dân sống lấn chiếm kênh rạch. Để làm được điều này, quận Thốt Nốt đã tiến hành di dời trước mắt ở các tuyến kênh tạo nguồn trước, sau đó sẽ tiến dần vào kênh cấp 1, cấp 2 và cấp 3, không để phát sinh các hộ mới phát sinh xây dựng sinh sống trên kênh, rạch.
Thời gian qua TP Cần Thơ cũng đã tìm mọi giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để hạn chế tối đa tình trạng sạt lở bờ sông như giải pháp xây dựng bờ kè, trồng cây để chống xói mòn, sạt lở…
Ông Nguyễn Quí Ninh – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua do tập tục vùng miền, “nhất cận thị, nhì cận sông”, người dân thường tập trung sinh sống ở vùng sông nước, trong khi nhà ở của người dân cặp ven sông, rạch đa phần là nhà tiền chế kết cấu không ổn định, trong khi lại thường xuyên cơi nới. Qua nhiều năm biến động của dòng sông, kênh, rạch sức chịu tải của nhà cũng kém dần, đây là một trong những yếu tố xảy ra sạt lở và mang tính chất đặc biệt nguy hiểm.
Ông Ninh chia sẻ thêm, thành phố đã phối hợp với các quận, huyện vận động người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở, vận động người dân nâng cao cảnh giác khi phát hiện cần báo chính quyền địa phương để di dời đồ đạc ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, để bảo vệ tính mạng và tài sản; đồng thời áp dụng các giải pháp truyền thống đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như: Trồng bần, dừa nước, gia cố tạm bằng cừ dừa, cừ tràm, rải các rọ đá để chống sạt lở.
* Trước đó UBND TP Cần Thơ đã đưa ra lộ trình giai đoạn 2018 - 2020, trong đó triển khai xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ sông tại các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền với chiều dài 21.940 m, tổng mức đầu tư 2.441 tỷ đồng và tiến hành di dời hơn 1.000 hộ dân sống ven sông vào nơi an toàn tránh xa sạt lở. UBND Cần Thơ tiếp tục đề nghị Bộ NNPTNT xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho TP Cần Thơ thực hiện 2 dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (Q.Ô Môn) với tổng số tiền 421 tỷ đồng.
Tác giả: Quốc Trung
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết