Tin địa phương

Cần Thơ phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng để sử dụng cho dự án nào?

Trái phiếu chính quyền địa phương do UBND TP. Cần Thơ phát hành nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND Thành phố thông qua.

Ngày 21/8, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển ký ban hành Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương TP. Cần Thơ năm 2024.

Theo Đề án, trái phiếu chính quyền địa phương do UBND TP. Cần Thơ phát hành nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND Thành phố thông qua theo quy định.

Trái phiếu chính quyền địa phương do UBND TP. Cần Thơ phát hành nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án trọng điểm.


Theo UBND TP. Cần Thơ, các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 đảm bảo điều kiện vay của chính quyền địa phương theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Quản lý nợ công: các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục đầu tư công trung hạn của chính quyền địa phương đã được HĐND thành phố phê duyệt tại Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 của HĐND thành phố về phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, nhóm B và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B; Văn bản số 103/HĐND-TT ngày 19/3/2015 của Thường trực HĐND thành phố và Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 TP. Cần Thơ.

Tuy nhiên, đối với phần vốn tăng thêm trong tổng mức đầu tư của các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đang triển khai các thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại kỳ họp gần nhất của HĐND thành phố trong năm 2024; tổng cộng nguồn vốn tăng thêm là 2.000 tỷ đồng trong 2 năm 2024 - 2025, gồm các dự án:

Dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 917 dự kiến số tiền là 108,680 tỷ đồng.

Dự án Đường tỉnh 918 (Giai đoạn 2) dự kiến số tiền là 106 tỷ đồng.

Dự án Đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C) dự kiến số tiền là 569,580 tỷ đồng.

Các khu tái định cư mới dự kiến số tiền là 1.215,740 tỷ đồng, gồm: Khu tái định cư quận Cái Răng dự kiến 456,940 tỷ đồng; Khu tái định cư quận Ô Môn dự kiến 178,464 tỷ đồng; Khu tái định cư huyện Phong Điền dự kiến 160,312 tỷ đồng; Khu tái định cư (Khu D) - Khu di tích Lộ Vòng Cung dự kiến 226,560 tỷ đồng và Khu tái định cư huyện Thới Lai dự kiến 193,464 tỷ đồng.

Theo Đề án, dự kiến khối lượng trái phiếu phát hành tối đa là 2.000 tỷ đồng, trong đó phân bổ cho năm 2024 là 1.000 tỷ đồng, năm 2025 là 1.000 tỷ đồng, đảm bảo nằm trong tổng mức vay theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ và trong bội chi ngân sách địa phương hàng năm được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thời gian phát hành dự kiến vào tháng 10/2024 với khối lượng 1.000 tỷ đồng gắn với tiến độ giải ngân của các dự án đảm bảo tính khả thi và hiệu quả sử dụng vốn.

Trước đó, vào ngày 28/2/2024, UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt Đề án số 01/ĐA-UBND về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương TP. Cần Thơ năm 2024, dự kiến phát hành trong tháng 7/2024.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 4374/BTC-TCNH ngày 26/4/2024, UBND TP. Cần Thơ làm rõ một số nội dung liên quan việc triển khai thực hiện Đề án, cụ thể là vốn trái phiếu chính quyền địa phương phát hành sử dụng cho dự án nào, phải tính toán ngày nào vay, số tiền, giải ngân như thế nào, phải có kế hoạch chi tiết sử dụng vốn vay để đảm bảo hiệu quả…

Tác giả: Trúc Giang

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP