Tin địa phương

Cần Thơ: Khổ chồng lên khổ vì hai lần bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường thỏa đáng

15 năm trước, những hộ dân này đã bị thu hồi đất để xây khu dân cư vượt lũ. Việc hỗ trợ di dời, tái định cư được chính quyền hứa nhưng rồi im luôn.

Đến nay, phần đất còn lại của họ tiếp tục bị thu hồi để xây trường học. Người dân chấp nhận chủ trương của Nhà nước nhưng chưa đồng tình với chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Hai lần bị thu hồi đất

Ông Huỳnh Văn Chờ, ngụ ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ trình bày, năm 2003, UBND huyện Thốt Nốt ra quyết định thu hồi 600m2 đất của gia đình ông để xây dựng khu dân cư vượt lũ, làm ảnh hưởng đến căn nhà mà gia đình đang ở.

Những vườn cây trái sum xuê của gia đình anh Lắm đang cho thu hoạch.

“Thời điểm đó, xã, huyện có mời gia đình tôi lên và hứa sẽ cấp nền tái định cư, hỗ trợ tiền di dời nhà và bồi thường các thiệt hại do công trình gây ra.

Thế nhưng, lời hứa gió bay, miệng quan trôn trẻ, đến giờ, gia đình tôi vẫn không nhận được hình thức hỗ trợ như họ nó”, ông Chờ nói. Đến năm 2017, huyện Cờ Đỏ (tách ra từ huyện Thốt Nốt) tiếp tục ra quyết định thu hồi đất đối với một phần diện tích đất của gia đình ông Chờ.

“Phần đất thu hồi lần này là 88m2, liền với phần đất thu hồi lần trước để là khu dân cư vượt lũ. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gia đình tôi vì mức giá bồi thường quá thấp. Đất nhà tôi đã san lấp mặt bằng, trồng trái cây lâu năm đang thu hoạch.

Họ cũng không cho tôi nền tái định cư nữa, lần trước hứa rồi không cho, giờ thị họ nói đất tôi là đất ruộng không được cấp tái định cư. Đất nhà nước lấy hết, gia đình tôi sống sao đây”, ông Chờ trình bày.

Chưa hết, ông Chờ đề xuất với huyện Cờ Đỏ để xin nền nhà tái định cư. Ông Chờ cho rằng mình đã được huyện Thốt Nốt trước đây hứa cho nền tái định cư mà không thực hiện. Việc này, huyện Cờ Đỏ chuyển cho Ban quản lý dự án xem xét.

“Ban quản lý hướng dẫn tôi đến huyện Vĩnh Thạnh (trước đó là huyện Thốt Nốt- PV) để tìm tài liệu liên quan đến việc thu hồi đất năm 2003, nhưng các cơ quan này trả lời rằng không còn lưu giữ tài liệu nữa”, ông Chờ bức xúc nói.

Không chỉ riêng ông Chờ, mà anh Huỳnh Văn Lắm em trai của ông Chờ, các hộ bà Nguyễn Thị Việt Thúy, Nguyễn Thị Kim Thanh, Nguyễn Thành Nam cùng ấp Thạnh Quới 1 cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.

Họ đều bị thu đồi đất, có người thì đấu tranh mãi mới được nền tái định cư, có người cứ chờ mãi lời hứa. Họ đều không đồng tình với mức giá bồi thường của huyện Cờ Đỏ đưa ra và cho rằng, phần đất của mình ở gần chợ, giá trị thực tế rất cao.

Nếu nhà nước bồi hoàn theo giá đất nông nghiệp thì rất thiệt thòi. Như trường hợp của anh Lắm, em trai ông Chờ, năm 2003, huyện Thốt Nốt ra quyết định thu hồi 1.700m2 đất của gia đình anh để làm khu dân cư vượt lũ.

Đến năm 2017, huyện Cờ Đỏ tiếp tục ra quyết định thu hồi thêm 5.172m2 đất để xây trường tiểu học. “Việc xây trường chúng tôi không có ý kiến gì nhưng phải bồi hoàn thỏa đáng giá trị tài sản, công sức chúng tôi bỏ ra trên đất.

Chúng tôi đã từng bị hứa “lèo” giờ chúng tôi không tin nữa. So với các hộ dân khác, hai lần thu hồi tôi mất diện tích đất nhiều nhất”, anh Lắm bức xúc nói. Trên diện tích đất của anh Lắm hiện trồng rất nhiều loại cây ăn trái đang cho thu hoạch như dừa xiêm, xoài, bưởi, cóc thái, chôm chôm…

Nhiều năm qua, thu nhập, cuộc sống của cả gia đình anh đều trông vào những loại trái cây này. Ông Chờ và anh Lắm, cùng những hộ của ông Chức, bà Thanh, bà Thúy, ông Nam đã làm đơn khiếu nại yêu cầu nâng giá bồi thường đất, tiền san lấp mặt bằng, cây trồng, chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ tái định cư.

Những yêu cầu này của 6 hộ dân này đều bị chính quyền huyện Cờ Đỏ bác đơn. Không đồng tình, đầu năm 2018, các hộ dân này tiếp tục làm đơn khiếu nại lên cấp thành phố và được cấp thành phố thụ lý giải quyết.

Trong quá trình làm đơn khiếu nại, những hộ dân này phát hiện, việc thu hồi đất để xây trường học của huyện Cờ Đỏ còn tồn tại nhiều vấn đề.

Thu hồi diện tích quá mức

Theo đơn khiếu nại của những hộ dân này, năm 2016, TP Cần Thơ ban hành quyết định số 878/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu xây dựng trường tiểu học Trung Hưng 1 tại huyện Cờ Đỏ với diện tích dự kiến thu hồi là 11.378m2.

Tuy nhiên, cuối năm 2016, Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 65/NQ-HĐND điều chỉnh diện tích thu hồi chỉ còn 0,75ha vì thực tế đây không phải là dự án xây trường mới mà là bổ sung quy hoạch cho trường cũ.

Đây là chủ trương đúng, tuy nhiên huyện Cờ Đỏ lại ban hành quyết định thu hồi đất của 7 hộ dân với tổng diện tích lên tới 10.959,7 m2.

“Đất của chúng tôi gần chợ, nếu phân lô ra để bán nền thì giá trị rất cao. Trong khi đó, diện tích đất đất bổ sung quy hoạch cho trường tiểu học cũ chỉ 0,75 ha, huyện thu hồi thêm hơn 3000m2 để làm gì?

Rồi bồi thường 1 mét vuông đất bằng 91 ngàn đồng cho chúng tôi trong khi giá trị đất thực tế của chúng tôi mỗi mét lên đến tiền triệu” Anh Lắm bức xúc nói.

Còn ông Chờ thì cho rằng, vị trí đất của gia đình ở gần đường dân sinh, gần chợ Trung Hưng nên có giá trị sinh lời cao, giá đất chuyển nhượng trên thị trường cao hơn nhiều lần giá đất đền bù.

Ông Chờ cho biết: “Tôi biết theo Điều 9 Nghị định 44/2014, ủy ban huyện phải đề xuất điều chỉnh giá đất đền bù để hòa hòa lợi ích của nhà nước và nhân dân. Đằng này, huyện không xem xét tới quyền lợi của người dân bị thu hồi đất”.

Ngày 22/3, nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Cờ Đỏ, những hộ dân này như chết lặng vì những điều mình đang khiếu nại còn đang được cấp thành phố xem xét.

Ngay sau khi nhận quyết định cưỡng chế, những hộ dân này đã có đơn kiến nghị đến huyện đề nghị đề nghị UBND huyện Cờ Đỏ cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất kiểm đếm lại, bởi vì cho rằng trung tâm phát triển quỹ đất kiểm đếm không đủ số lượng cây trồng, không đúng theo từng loại cây trồng và bị thiếu so với thực tế hiện trạng, trung tâm quỹ đất không đo diện tích đê bao san lắp mặt bằng, nên diện tích mặt bằng của bị thiếu, không đúng thực tế.

“Hơn nữa, cây trồng của tôi đã có trái đang cho thu hoạch cao, thuộc nhóm A, nhưng kiểm kê thì ghi nhóm B,C nhiều so với bản dự thảo giá.

Tôi đề nghị UBND xã Trung Hưng - UBND huyện Cờ Đỏ tạm dừng việc cưỡng chế để đo đạt kiểm đếm điều chỉnh lại từng loại đúng hiện trạng”, anh Lắm trình bày.

Tác giả: Phan Thành

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP