Lớp dạy nghề đan giỏ dây nhựa cho phụ nữ dân tộc Khmer ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn (TP Cần Thơ). Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Theo đó, học viên được hỗ trợ với mức hỗ trợ ba triệu đồng/người/khóa học. Người học nghề ngắn hạn được hỗ trợ chi phí học nghề một lần. Trường hợp đã được hỗ trợ nhưng bị mất việc, UBND quận, huyện xem xét tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm, tối đa không quá hai lần. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại địa phương. Doanh nghiệp tham gia đào tạo trên tinh thần tự nguyện và cam kết tiếp nhận học viên dân tộc thiểu số vào làm việc trong thời gian ít nhất một năm, sau khi tốt nghiệp.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố đã tham gia liên kết đào tạo và tiếp nhận lao động là người dân tộc thiểu số.
Ngành nghề đào tạo chủ yếu là may gia dụng, may công nghiệp, đan lát, kết cườm hoặc nghề nông nghiệp... Nắm bắt xu hướng và nhu cầu, thời gian tới, thành phố Cần Thơ chủ trương đa dạng hóa ngành nghề, xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo hướng phi nông nghiệp, tạo nhiều cơ hội việc làm mới cho học viên. Trên địa bàn Cần Thơ có 27 dân tộc thiểu số đang cư trú với 36.133 người, chiếm tỷ lệ 3,04% số dân toàn thành phố. Số người trong độ tuổi lao động khoảng 21.900 người.
★ Cùng với rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An vào hoạt động, đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính.
Bên cạnh việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành làm việc tại trung tâm được lựa chọn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và được tập huấn sử dụng phần mềm hành chính công. Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp có thể đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên thông qua hệ thống máy tính bảng được lắp đặt sẵn. Kết quả đánh giá thể hiện công khai trên màn hình điện tử. Năm 2018, trung tâm nhận được gần 5.400 lượt đánh giá, trong đó gần 99% số ý kiến đánh giá thể hiện thái độ hài lòng. Cũng trong năm này, trung tâm tiếp nhận 41.870 hồ sơ và đã giải quyết gần 39.500 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ quá hạn chỉ còn 0,9%. Các trung tâm hành chính công cấp huyện trên địa bàn đã tiếp nhận 304.460 hồ sơ và giải quyết gần 281.700 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ quá hạn còn khoảng 5,3%.
Thời gian tới, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An tiếp tục phối hợp các sở, ngành bảo đảm việc giải quyết hồ sơ được kịp thời, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn, hạn chế tỷ lệ hồ sơ quá hạn ở mức dưới 1%. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo trung tâm phải tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các trung tâm hành chính công huyện, thị xã, thành phố giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn cho người dân, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn không được quá 2%; đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Nhân dân