|
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng vừa ban hành công văn về việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.
Đặc biệt, rà soát, phát hiện các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả... tham mưu UBND Thành phố thu hồi theo đúng quy định, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới, có nhu cầu dịch chuyển sản xuất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND Thành phố cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng quy định nhằm thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn quốc tế, các dự án đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 86 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.267 triệu USD.
Trong năm 2021-2022, thành phố đã có 3 dự án nghìn tỷ (cả khu vực trong nước và FDI) được chấp thuận chủ trương đầu tư, tạo ra các xung lực mới cho sự phát triển của thành phố thời gian tới. 3 dự án đó bao gồm: Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III và Dự án VSIP Cần Thơ - Giai đoạn 1.
Trong đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2020, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới khoảng 1,3 tỷ USD.
TP Cần Thơ hiện có 86 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.267 triệu USD. (Ảnh minh họa) |
Dự án được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, có công suất thiết kế 1.050 MW, do các nhà đầu tư: Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đề xuất.
Riêng trong năm 2022, thành phố đã cấp mới cho 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký 174,23 triệu USD. Tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 86 dự án, vốn đăng ký hơn 2,22 tỷ USD.
Trong quý I/2023, thành phố chỉ điều chỉnh 1 dự án với vốn đầu tư tăng 38,8 triệu USD, đồng thời chấm dứt 1 dự án với vốn đầu tư đăng ký 1 triệu USD.
Trong thời gian tới, theo Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ Nguyễn Khánh Tùng, để phát triển đồng bộ, thành phố cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nhất là hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng, hạ tầng phục vụ phát triển logistics.
Tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Tác giả: Ngọc Hải
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn