Tin địa phương

Cần sớm phân cấp, phân quyền phù hợp

Lâu nay, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập ở các địa phương vẫn do chủ tịch UBND cấp huyện ký quyết định. Điều này có nghĩa là ngành GD vẫn “nằm ngoài” cuộc nên khó tránh khỏi những bất cập. Đã đến lúc cần thay đổi cơ chế quản lý Nhà nước và giao quyền chủ động cho ngành GD trong vấn đề nhân sự.

Muốn quản lý giáo dục tốt thì phải là người am hiểu và gắn công việc của mình với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Hữu Cường

Thay đổi cơ chế quản lý

Từng là Đại biểu Quốc hội khóa XIII, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết, cá nhân bà từng có kiến nghị thay đổi cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành GD. Theo đó, ngành GD phải được quyền chủ động về nhân sự trong nội ngành, từ việc tuyển dụng, sử dụng cho đến bổ nhiệm miễn nhiệm các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó.

Theo bà Trần Hồng Thắm, chúng ta đang rất bị động về vấn đề này, nhưng tất cả những việc gì không tốt có liên quan đến nhà trường đều đổ lỗi hết cho ngành GD. Trong khi đó, cơ quan ra quyết định lại không phải chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định của mình, đơn cử như về tổ chức và nhân sự, ngành Nội vụ tham mưu hoặc quyết định nhưng hậu quả thì ngành GD “ẵm trọn”. Đây là bất cập cần phải được gỡ bỏ càng sớm càng tốt. Bởi trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, nếu ngành GD không được chủ động về cán bộ sẽ gặp không ít khó khăn trong quản lý điều hành. Thực tế chúng đã có những bài học nhãn tiền từ sự bất cập, vô lý này.

Tôi đề nghị giao quyền chủ động bố trí, sử dụng cán bộ nhà giáo của các trường cho Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT, để công tác quản lý trong toàn hệ thống ngành GD mang tính xuyên suốt và ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Bà Trần Hồng Thắm

Riêng về bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó các trường học công lập, bà Trần Hồng Thắm cho biết, về phía Sở GD&ĐT đã thực hiện đúng quy trình, phân cấp quản lý. Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT được ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở trực thuộc Sở. Tuy nhiên, ở tuyến huyện, các Phòng GD&ĐT vẫn không được chủ động việc này.

“Thấy được bất cập như vậy, Sở GD&ĐT đã có kiến nghị về thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học. Cụ thể: Những trường học thuộc khối huyện, thì giao quyền bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học thuộc quận, huyện cho Trưởng phòng Phòng GD&ĐT. Qua đó, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề bất cập và tháo gỡ được nhiều “nút thắt” trước đây” – Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ đề xuất.

Minh chứng cho đề xuất của mình, bà Trần Hồng Thắm dẫn giải, từ khi Giám đốc Sở GD&ĐT được quyền bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc, công việc quản lý, điều hành đã thuận lợi và chủ động hơn rất nhiều. “Trước mắt là thuận lợi trong việc điều tiết chất lượng giữa các đơn vị trong hệ thống ở một cấp quản lý. Chúng tôi nắm rõ được điểm mạnh, điểm yếu của các cán bộ quản lý và biết đơn vị nào cần người nào. Quan trọng là chúng tôi nắm chắc từ khâu chuẩn bị nguồn đến khâu bổ nhiệm, sử dụng và đánh giá cán bộ” – bà Trần Hồng Thắm trao đổi.

Ngành GD đang bị động về nhân sự. Ảnh H.M

Trao quyền chủ động cho ngành GD

Đây cũng là ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng. Theo ông, Hải Phòng đã phân cấp cho Giám đốc Sở GD&ĐT ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quản lý của các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, tại một số huyện việc này vẫn do Phòng Nội vụ tham mưu đề xuất rồi chủ tịch UBND huyện ký quyết định.

“Không ngành nào hiểu giáo viên bằng ngành GD và cũng không ngành nào có thể nắm rõ chất lượng đội ngũ nhà giáo, nơi nào thừa, nơi nào thiếu, nơi nào cần tăng cường cán bộ quản lý cho các trường học bằng ngành GD. Vì thế rất mong các huyện sớm phân cấp, phân quyền phù hợp về quản lý Nhà nước cho Phòng GD&ĐT. Trước mắt là, giao quyền chủ động trong bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập cho Phòng GD&ĐT theo quy trình. Qua đó, nhằm tạo sự thống nhất trong toàn tỉnh về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với giáo dục” – ông Nguyễn Xuân Trường đề xuất.

Cần giao quyền chủ động cho ngành GD về nhân sự để họ điều hòa đội ngũ của mình. Từ đó mới giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng dạy - học. Đồng thời giữ được kỷ cương, nền nếp trong GD. Như hiện nay, ngành GD không nắm tài chính, lại không chủ động về nhân sự thì rất khó để phát triển và hội nhập”

Ông Lê Tuấn Tứ

Đồng quan điểm, ông Lê Tuấn Tứ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến: Ngành GD đang chịu trách nhiệm về chất lượng dạy - học, cho nên Giám đốc Sở GD&ĐT; Trưởng phòng GD&ĐT phải được quyền tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc. Họ là người trong cuộc nên họ mới nắm được đâu cần, đâu thiếu những người có năng lực và chuyên môn tốt để điều hòa lực lượng.

Ông Lê Tuấn Tứ cũng tán thành với đề xuất của dự thảo Luật GD (sửa đổi) về quản lý Nhà nước theo hướng: Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ quan quản lý Nhà nước về GD (Điều 103) theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ (tại Khoản 1), Bộ GD&ĐT (tại Khoản 2), Bộ LĐ-TB&XH (Khoản 3), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Khoản 4); Bộ Nội vụ (Khoản 5), Bộ Tài chính (Khoản 6) và các Bộ khác, UBND các cấp trong lĩnh vực GD cho phù hợp với chức năng, vị trí vai trò của cơ quan đó.

Tác giả: Hải Minh

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP