Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 21/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.
“Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là khá lớn (bình quân hơn 10.000 người/đợt); Luật hiện hành chưa quy định cụ thể thủ tục tiến hành bảo hộ công dân đối với phạm nhân là người nước ngoài được Việt Nam đặc xá... nên cần bổ sung, sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong Uỷ ban cho rằng, chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như: người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…
Cùng với đó phải đáp ứng các điều kiện là có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.
“Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì nên quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự” – bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Về điều kiện đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Tư pháp cho rằng, Luật Đặc xá hiện hành quy định chỉ áp dụng điều kiện này với đối tượng phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định; dự thảo Luật sửa đổi theo hướng đây là điều kiện bắt buộc đối với mọi tội phạm.
Theo cơ quan thẩm tra, quy định như vậy dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội.
“Việc ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với người bị kết án, coi đó là một điều kiện xét đặc xá sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt. Do vậy, đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng quy định này” – báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đặc xá |
Về điều kiện đã chấp hành được ít nhất 2/3 thời gian chấp hành án phạt tù, trong đó có cả người phạm tội khủng bố, Uỷ ban Tư pháp cho rằng việc quy định đặc xá với các trường hợp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố.
Theo cơ quan thẩm tra, đây là các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, được thực hiện do lỗi cố ý, Bộ luật Hình sự cũng không cho phép tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với những đối tượng này.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV