Giữa các đối tượng trộm chó và người dân bị mất chó có mối thù không đội trời chung. Kẻ trộm chó bị bắt, không chết tại chỗ thì cũng thân tàn ma dại. Cũng không ít người vì truy đuổi trộm chó mà bỏ mạng khi “cẩu tặc” mở đường máu thoát thân.
Chỉ bằng một cái kích chuột, trên mạng internet tràn lan những hình ảnh kinh hoàng. Máu mê, gậy gộc, súng ống rồi những cái xác người nằm chung cùng xác chó. Sự tàn nhẫn chưa khi nào hiển hiện rõ như bây giờ.
Những người dân lạnh lùng xuống tay tước đoạt một mạng người có trăm ngàn lý do để bào chữa cho hành vi tàn ác. Thậm chí có những nơi, cả làng kéo lên trụ sở công an để nhận có tham gia vào vụ đánh chết người. Họ gây sức ép cho những cơ quan thực thi pháp luật bằng một “tâm lý bầy đàn” rất vô lý như thế.
Con chó là vật nuôi vốn được xem như một thành viên trong gia đình. Khi con vật gần gũi ấy bị đánh bả, bị bắt bán cho các lò mổ khiến chủ nhân của nó căm phẫn. Việc bị kích động, giận dữ trong chốc lát tất nhiên không thể tránh khỏi. Nhưng mạng chó đổi mạng người có đáng không?
Những hình ảnh trộm chó bị đánh chết hoặc trọng thương đầy rẫy trên mạng
Quê tôi ngay ngoại thành Hà Nội, trong một đêm bỗng đổi khác vì phát hiện có kẻ trộm chó vào làng. Ngôi làng bình yên trong đêm rộ tiếng la hét, những người nông dân chân chất bỗng chốc dữ tợn hơn bất kỳ lúc nào. Họ không khác những kẻ côn đồ máu lạnh trong phim ảnh.
Trong số hàng trăm người dân ấy, chỉ duy nhất có một người bị mất chó nhưng tại sao những người khác lại kích động đến vậy? Họ lùng sục bằng được gã trộm chó đang trốn trong xó xỉnh để đánh chết chứ không chịu giao cho công an. Vì sao?
Thực tế thì con chó chỉ là cái cớ. Người ta không có niềm tin vào sự hoàn lương của gã trộm chó sau khi nhận một hình thức xử phạt của pháp luật. Và nữa, con chó cũng là cái cớ khác để che đậy cho hành vi bạo lực và tội ác đang nảy sinh ngày càng nhiều trong xã hội. Dùng tội ác để đáp trả một tội ác khác không phải là truyền thống của dân tộc này.
Còn một thực tế đau đớn khác, trong khi một kẻ liều mạng để trộm chó, một người vì con chó mà giết chết đồng loại thì ở một căn phòng máy lạnh nào đó có người đang gắp miếng thịt cho vào miệng tỏ vẻ khoái chí. Miếng thịt đó rất có thể là từ con chó được đánh đổi bằng mạng người. Phía sau một bi kịch là niềm vui và túi tiền của kẻ thứ 3.
Trong những ngày qua, dư luận bất ngờ khi một đối tượng trộm chó chuyên nghiệp bị bắt và khai là cử nhân Luật. Một cử nhân trong số hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp phải đi trộm chó để nuôi sống bản thân, gia đình mới thật chua chát làm sao.
Thế mới ngộ ra một điều, những tên “cẩu tặc” không phải chỉ là những kẻ nghiện ngập cùng đường mà còn có những trí thức, thân mang một bụng chữ nghĩa. Thế mới thấy, để đẩy con người đến những sai lầm thì vấn đề nhận thức chỉ là một khía cạnh. Thực tế khác đó là sự nghèo đói và cùng quẫn. Tiền nhân chẳng dạy “có thực mới vực được đạo” hay sao.
Và khi xã hội chưa đáp ứng được những nhu cầu về an sinh, chúng ta chưa giải quyết cái căn nguyên, cội rễ của những mâu thuẫn thì bi kịch mạng người đổi mạng chó sẽ còn tiếp diễn.
Tác giả bài viết: Ngân Thương