Theo số liệu của Sở Tài chính, trong 5 năm qua từ 2011 đến 2015, ngân sách nhà nước tỉnh đã chi cho việc mua sắm tài sản công để phục vụ cho nhu cầu hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp với tổng số tiền là 2.400 tỷ đồng, trong đó xe con, xe ô tô chuyên dùng chiếm 4,6% tương đương 110 tỷ đồng, thiết bị tin học chiếm 15% khoảng 356 tỷ đồng, nhiều nhất là trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng chiếm 39,3% với 934 tỷ đồng. Nếu theo khảo sát của bộ tài chính theo phương thức mua sắm tập trung sẽ tiết kiệm được từ 10- 20%, Tính bình quân mua sắm mỗi năm là 500 tỷ đồng thì tỉnh sẽ giảm được trên 48 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách từ mua sắm tài sản nhà nước.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung góp ý bổ sung vào dự thảo quyết định công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung của tỉnh trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng cần cụ thể hơn trong việc ban hành danh mục mua sắm tập trung, quy định rõ hơn về thời gian và đối tương áp dụng, cần có những cơ chế, giải pháp cho việc mua sắm thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị ngành y tế... Làm sao để việc mua sắm tập trung không ảnh hưởng và chống chéo đối với công tác tự chủ của các đơn vị, theo đó, cần đưa ra hạn mức, định mức đối với danh mục mua sắm tập trung.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị Sở tài chính tổng hợp lại các ý kiến góp ý của các sở ngành để hoàn chỉnh văn bản trình UBND tỉnh; Rà soát đối chiếu các danh mục của Bộ tài chính và Bộ Y tế để hình thành danh mục mua sắm của tỉnh. Về danh mục mua sắm, cần quy định cụ thể đối với thiết bị dạy học hoặc đưa ra khỏi danh mục, một số danh mục không rõ thì nên đưa ra như thiết bị âm thanh... Về thời gian thực hiện cho mua sắm tập trung thực hiện từ ngày 1-9 và xác định rõ đối tượng thuộc diện mua sắm tập trung để ban hành văn bản hướng dẫn.
Tác giả bài viết: Bùi Thọ