Đối với một số người, có hệ tiêu hóa biến đổi thức ăn bình thường thành cồn giống như giấc mơ thành hiện thực bởi bạn sẽ say mà không cần uống. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng Auto Brewery Syndrome (ABS) hay hội chứng "nhà máy bia tự động" biến cuộc đời của bệnh nhân thành cơn ác mộng.
Ảnh: health.howstuffworks.com.
Theo Fox News, hội chứng "nhà máy bia tự động" là căn bệnh hiếm gặp trong đó loại nấm men Saccharomyces cerevisiae làm lên men thức ăn ở dạ dày, sản sinh ra ethanol, một thành phần của bia, rượu vang cùng các loại đồ uống có cồn khác. Tại Mỹ, chỉ 50 người bệnh ABS được ghi nhận chính thức.
“Vấn đề nảy sinh khi chất men trở nên mất kiểm soát”, Barbara Cordell, Trưởng khoa Y tế và Chăm sóc Sức khỏe tại Đại học Panola, Texas (Mỹ) giải thích. Bà cho biết bệnh nhân hội chứng "nhà máy bia tự động" thường có điểm chung là uống thuốc kháng sinh trong thời gian dài. Nhiều khả năng thuốc kháng sinh đã tiêu diệt vi khuẩn, khiến nấm men phát triển quá mức.
ABS gây rất nhiều phiền nhiễu bởi bệnh nhân có thể bị say bất cứ lúc nào. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ với người xung quanh mà còn kéo đến hàng loạt triệu chứng như khó chịu, nôn mửa, tê liệt, mệt mỏi mạn tính cùng nhiều tác dụng phụ khác của chứng nghiện rượu.
Tệ hơn, hội chứng "nhà máy bia tự động" đôi khi khiến bệnh nhân bị bắt khi lái xe vì nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định. May mắn, nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này ngày càng tăng giúp người bị ABS thoát khỏi án oan. Cuối năm ngoái, một giáo viên 35 tuổi (Mỹ) được thẩm phán kết luận vô tội sau khi cô chứng minh mắc hội chứng "nhà máy bia tự động" chứ không hề uống rượu lúc cầm lái.
Hiện nay, người bị ABS thường được điều trị bằng cách hạn chế carbohydrate, đường và sử dụng thuốc chống nấm. Những biện pháp này tuy không chữa khỏi hoàn toàn song giúp giảm nhẹ triệu chứng để cuộc sống bệnh nhân trở nên dễ dàng hơn.
Tác giả bài viết: Minh Nguyên