Tin địa phương

Cần bảo đảm cấp nước ổn định cho người dân

Sẽ đóng cửa nhà máy thép nếu không giảm ô nhiễm

Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn Đà Nẵng, chiều 9-6, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có cuộc họp “nóng” với Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) và các đơn vị liên quan. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng; và các Phó Chủ tịch: Hồ Kỳ Minh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Trần Văn Miên.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: THANH TÌNH

Theo Dawaco, thời gian gần đây, nhiều điểm trên địa bàn thành phố thiếu nước sinh hoạt. Tại quận Cẩm Lệ, trong tháng 5-2017, khách hàng phản ánh tình trạng thiếu nước ở tổ 16 và 16A (phường Hòa An). Tại quận Hải Châu, từ ngày 5-6, do điều tiết nước cho các khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn nên một số kiệt, hẻm có nguồn nước yếu.

Tại quận Liên Chiểu, nước khu vực Khánh Sơn và Đà Sơn thường xuyên bị yếu; ở khu vực Hòa Hiệp Bắc, do vào mùa khô, Nhà máy Nước Hải Vân giảm lưu lượng nên nước yếu hơn những ngày bình thường.

Tại quận Thanh Khê, một số khu vực như các phường Xuân Hà, Tam Thuận, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Chính Gián, Vĩnh Trung, Thạc Gián... nước bị yếu, dự báo ảnh hưởng đến hơn 12.700 hộ dân. Tại quận Sơn Trà, do lượng khách lưu trú cao nên từ tháng 5 đến nay, các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Phước Mỹ thường xuyên thiếu nước.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, trong 15 ngày trở lại đây, nhiều khu vực không có nước hoặc nước yếu như các phường Hòa Quý, Hòa Hải, Mỹ An, Khuê Mỹ... Lượng nước cấp cho địa bàn quận Ngũ Hành Sơn năm nay tăng 41% so với năm ngoái nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Tại huyện Hòa Vang, một số xã như Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn phải thực hiện cấp nước theo giờ; một số khu vực cao thuộc xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn không có nước sử dụng.

Mặc dù Dawaco đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như lắp đặt tạm cụm xử lý lưu động, thay thế các tuyến ống, đặt một số máy bơm tăng áp cục bộ..., tình hình thiếu nước tạm thời có giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng được.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước là nguồn cung chưa đáp ứng được yêu cầu; mạng lưới truyền dẫn, phân phối nước chưa theo kịp thực tế. Ngoài ra, nhiều người dân không có bể dự trữ nước; vẫn còn tình trạng sử dụng nước lãng phí... Vì vậy, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan có các giải pháp phù hợp để cấp nước và duy trì ổn định nguồn nước.

Để kịp thời cấp nước ổn định cho người dân, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đồng ý với các giải pháp tạm thời của Dawaco đưa ra: Cho Dawaco sử dụng tạm nguồn nước Hồ Xanh để tăng công suất cấp nước; ngày 1-8 khởi công tuyến ống D300 cầu Tiên Sơn; 1 tháng sau hoàn thành việc đấu nối hệ thống cấp nước đường gom dọc đường sắt; sau 2 tháng phải hoàn thành việc xây dựng trạm xử lý Khe Lạnh; phối hợp với tỉnh Quảng Nam duy trì ổn định nguồn nước ngọt tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các nhà máy thủy điện đầu nguồn để yêu cầu vận hành đúng quy trình.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đặc biệt lưu ý Dawaco phải ưu tiên tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đầu tư công nghệ để tăng năng suất cấp nước phục vụ nhu cầu trước mắt. Đồng thời, đề nghị các đơn vị chức năng liên quan xúc tiến nhanh các thủ tục hỗ trợ Dawaco thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng thống nhất sẽ dùng vốn ưu đãi của Quỹ Đầu tư phát triển để đầu tư dự án Nhà máy Nước Cầu Đỏ và chỉ định thầu; phấn đấu khởi công Nhà máy Nước cầu Đỏ trong tháng 8 năm nay...

* Chiều cùng ngày, tại cuộc họp chỉ đạo xử lý tình trạng ô nhiễm của 2 nhà máy thép Dana- Ý và Dana - Úc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu 2 nhà máy thép phải cắt giảm công suất và đưa các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Nếu không thực hiện được, cả 2 nhà máy sẽ phải đóng cửa hoạt động.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc giải tỏa đền bù các hộ thuộc diện di dời và tiến độ dự án tái định cư Hòa Liên 6. Dự kiến kinh phí đền bù khoảng 243 tỷ đồng và trong tháng 7 sẽ chi tiền giải tỏa mặt bằng khu tái định cư này; trong đó nhà máy chịu 50% kinh phí bồi thường giải tỏa.

Chủ tịch UBND thành phốHuỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là cấp bách, nên sau cuộc họp này, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập hồ sơ sớm trình UBND thành phố và tiến hành song song công tác thiết kế dự án tái định cư để xin ý kiến Ban Thường vụ về vấn đề chỉ định thầu. Lãnh đạo thành phố đồng ý cho mở rộng khu tái định cư Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7 đủ đất để bố trí tái định cư cho người dân thôn Vân Dương; đề nghị tất cả các cơ quan, ban ngành tập trung làm nhanh, không để kéo dài.

Tác giả: THANH TÌNH

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP