Số hóa

Cái kết của điện thoại bàn phím QWERTY tại Việt Nam

Những chiếc điện thoại bàn phím QWERTY cuối cùng tại Việt Nam đang chết dần, khi nhà sản xuất bỏ ngỏ thị trường, người dùng không còn mặn mà.

Điện thoại bàn phím QWERTY đã chết!


Điện thoại bàn phím QWERTY đã biến mất khỏi thị trường Việt một cách lặng lẽ, trái ngược với những ồn ào khi mới xuất hiện. Các nhà sản xuất đình đám một thời như HTC, BlackBerry, Motorola... từ lâu đã ngừng sản xuất dòng điện thoại này. Trong nước, các đại lý phân phối lớn cũng không còn kinh doanh điện thoại bàn phím QWERTY mà tập trung vào smartphone. Số người còn dùng điện thoại bàn phím cứng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Cái chết đã được dự báo trước

Khoảng 3 năm về trước, các nhà phân phối điện thoại trong nước đã bắt đầu ngừng bán điện thoại bàn phím QWERTY do doanh số sụt giảm. Người dùng bắt đầu chuyển sang trào lưu điện thoại màn hình lớn, nhắn tin trên bàn phím ảo thay vì bàn phím cứng truyền thống.

Đỉnh cao huy hoàng của bàn phím QWERTY là thời kỳ bùng nổ trào lưu nhắn tin. Khi ấy, những chiếc điện thoại bàn phím QWERTY được ưa chuộng hơn cả khi được thiết kế chuyên biệt cho việc soạn thảo văn bản. Nhiều người ví von rằng, khi ấy sở hữu một chiếc điện thoại có bàn phím QWERTY cũng thời thượng như việc dùng iPhone bây giờ.

HTC từng một thời lừng lẫy với điện thoại bàn phím QWERTY cũng dần rời bỏ thị trường.


Tuy nhiên, trào lưu đó rồi cũng dần thoái trào. Khi smartphone màn hình lớn xuất hiện, các tin nhắn được soạn sẵn, các công cụ dịch giọng nói thành văn bản và nhiều phương thức giao tiếp khác xuất hiện thì bàn phím QWERTY trở nên lỗi thời và dần rơi vào quên lãng.

Những hồi chuông cuối cùng đã vang lên, thế nhưng đâu mới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái kết của điện thoại bàn phím QWERTY?

Người dùng 'thay lòng đổi dạ'

Người ta có thể liệt kê ra một danh sách dài những nguyên nhân dẫn đến cái kết của bàn phím QWERTY như thiết kế mỏng nhẹ lên ngôi, điện thoại bàn phím QWERTY quá dầy, không còn phù hợp, hoặc có thể đổ lỗi cho các nhà sản xuất khi không còn mặn mà.

Khi chiếc Droid 4 của Motorola ra mắt vào tháng 1/2012, cấu hình của nó đã cũ và màn hình cũng không tốt như những thiết bị khác. Kể từ khi Samsung ra mắt chiếc Epic 4G hồi tháng 8/2010, thì dường như không còn chiếc smartphone đầu bảng nào dùng bàn phím QWERTY.

Ngay cả Priv với bàn phím QWERTY huyền thoại cũng không cứu được BlackBerry.


Thế nhưng, nguyên nhân cuối cùng dẫn đến cái chết của điện thoại bàn phím QWERTY chính là những thay đổi trong hành vi người dùng. Vì suy cho cùng, chỉ cần người dùng có nhu cầu thì nhà sản xuất vẫn sẽ tiếp tục đáp ứng. "Người ta càng ngày càng muốn xem được nhiều thông tin hơn, nhưng họ không cần phải nhập liệu nhiều nữa", Phó chủ tịch Rick Osterloh của Motorola cho biết.

Chính những thay đổi trong thói quen sử dụng của người dùng đã vô tình đẩy điện thoại bàn phím QWERTY vào ngõ cụt và dần biến mất trên thị trường di động.

Những điện thoại bàn phím QWERTY cuối cùng tại Việt Nam

Không chỉ các nhà phân phối lớn, ngay cả những đại lý nhỏ lẻ, những cửa hàng xách tay cũng không còn kinh doanh điện thoại bàn phím QWERTY nữa.

Những người cuối cùng dùng điện thoại bàn phím QWERTY ở Việt Nam đa phần thuộc thế hệ 8x, tuy nhiên đó cũng chỉ là nhóm nhỏ những người dùng trung thành có nhiều cảm xúc, kỷ niệm với thiết kế này. Phần lớn người dùng đã chuyển qua dùng điện thoại cảm ứng, màn hình lớn vì giá thành của chúng đã phải chăng, không còn đắt đỏ và hiếm hoi như thời kỳ đầu.

Điện thoại bàn phím QWERTY từ lâu đã không còn nằm trong từ khóa tìm kiếm tại Việt Nam.


Tại Việt Nam, điện thoại bàn phím QWERTY đã dần đi vào dĩ vãng và trở thành một phần kỷ niệm trong ký ức người dùng. Những thế hệ người dùng trẻ thậm chí còn không hình dung được bàn phím QWERTY trên điện thoại trông thế nào, vì giờ đây chẳng còn mấy người dùng đến chúng nữa.

Tác giả bài viết: Khương Nha

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP