Thế giới

Cái chết bí ẩn của ba nhà báo Nga khi điều tra đội lính đánh thuê

Ba nhà báo bị phục kích và sát hại ở Cộng hòa Trung Phi, khi tìm hiểu về hoạt động của công ty an ninh Wagner tại quốc gia này.

Di ảnh của ba nhà báo Nga bị sát hại ở Cộng hòa Trung Phi hôm 31/7. Ảnh: AP.

Chính phủ Cộng hòa Trung Phi hôm 1/8 xác nhận ba nhà báo Nga gồm Orhan Dzhemal, Aleksandr Rastorguyev và Kirill Radchenko đã bị một nhóm vũ trang 9 người bắn chết tại một chốt kiểm soát ở tỉnh Kemo phía nam nước này. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, người phát ngôn chính phủ Cộng hòa Trung Phi cho biết các tay súng bịt mặt và không nói tiếng Pháp hay tiếng Sango, hai ngôn ngữ được sử dụng phổ biến ở quốc gia này, theo Dawn.

Một nhà báo đã phản ứng dữ dội khi các tay súng đòi tịch thu máy ảnh, máy quay phim của họ. Tiếng súng vang lên, một nhà báo thiệt mạng ngay lập tức, hai người kia chết sau đó vì vết thương nặng, theo lời kể của tài xế bản địa đi cùng ba nhà báo Nga.

"Nhóm nhà báo Nga tới Cộng hòa Trung Phi từ hôm 27/7 để thu thập tư liệu về hoạt động của công ty an ninh tư nhân Wagner trong một dự án chung cùng Trung tâm Quản lý Điều tra Nga (IMC)", thông báo của IMC hôm 2/8 có đoạn. IMC là một tổ chức tập hợp các nhà báo điều tra kỳ cựu của Nga, do cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovsky đang sống ở Anh thành lập.

IMC tuyên bố họ đã giao nhiệm vụ cho ba nhà báo này tới Cộng hòa Trung Phi để tìm hiểu về các tay súng đáng thuê đang làm việc cho tập đoàn Wagner ở đây. Họ thuê một chiếc xe của tài xế địa phương và xuất phát từ thủ đô Bangui để tới thị trấn Sibut thuộc tỉnh Kemo vào ban đêm, dù đã được cảnh báo rằng hành trình này không an toàn.

Vị trí họ bị sát hại nằm ngay trên đường cao tốc, rất gần với vùng Ndassima, nơi có mỏ vàng trữ lượng lớn, từng do công ty Axmin của Canada khai thác. Tuy nhiên, khi nhóm phiến quân Hồi giáo Seleka tấn công vào đây, mỏ vàng bị bỏ hoang. Hồi giữa tháng 7, tờ Africa Intelligence cho biết Nga đã ký thỏa thuận với chính phủ Cộng hòa Trung Phi khai thác mỏ vàng này.

Truyền thông Pháp và châu Phi cho biết người Nga đang tìm cách tiếp cận với các nguồn tài nguyên như vàng, kim cương, urani và dầu mỏ ở Trung Phi. Theo tuần san L’Obs của Pháp, từ tháng 10/2017, công ty khai mỏ Lobaye Invest của Nga đã bắt đầu hoạt động ở Cộng hòa Trung Phi.

Tuy nhiên, an ninh ở Cộng hòa Trung Phi là vấn đề đáng báo động, với sự hoành hành của các nhóm phiến quân, trong khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại đây luôn trong tình trạng quá tải. Để cải thiện tình hình, Nga vào tháng 12/2017 đã đề nghị Liên Hợp Quốc cho phép nước này triển khai 175 chuyên gia và vũ khí tới Cộng hòa Trung Phi để huấn luyện lực lượng an ninh nước này.

Nhưng từng đó là chưa đủ để đối phó với mối đe dọa từ các nhóm phiến quân đang kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở nước này, trong đó có nhóm Seleka hoạt động gần mỏ vàng Ndassima. Để đảm bảo an ninh cho các nhân viên công ty khai mỏ Lobaye Invest, những tay súng đánh thuê thuộc Wagner đã được triển khai tới Cộng hòa Trung Phi.

Vị trí thị trấn Sibut ở Cộng hòa Trung Phi, nơi ba nhà báo Nga bị sát hại. Đồ họa: Google.

Theo các nguồn tin ngoại giao của L’Obs, điểm chung của hai công ty Nga này là đều nằm dưới quyền kiểm soát của Yevgeny Prigozhin, một doanh nhân nổi tiếng ở St. Petersburg. Wagner là công ty tư nhân đã triển khai nhiều lính đánh thuê tới Ukraine, Syria, Sudan và gần đây nhất là Cộng hòa Trung Phi.

Tờ Segodnya dẫn nhận định của chuyên gia quân sự Oleksandr Kovalenko ở Ukraine cho rằng việc ba nhà báo Nga bị sát hại khi đang điều tra hoạt động của Wagner ở Cộng hòa Trung Phi có thể là kết quả của những tranh giành lợi ích trong hoạt động làm ăn ở quốc gia châu Phi này, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh tư nhân.

Chính phủ Cộng hòa Trung Phi đến nay vẫn chưa rõ ai đứng đằng sau vụ sát hại ba nhà báo Nga. Hãng thông tấn TASS của Nga nghi ngờ nhóm phiến quân Seleka thực hiện vụ phục kích để cướp tài sản, trong khi nhiều nhà quan sát quốc tế đặt câu hỏi về vai trò và hoạt động của các lính đánh thuê tập đoàn Wagner ở Cộng hòa Trung Phi.

Đội quân bí mật

Cái tên Wagner bắt đầu nổi lên từ năm ngoái, khi có nhiều thông tin cho biết các trung đội lính đánh thuê của công ty này đã hoạt động tích cực gần khu vực có nhiều mỏ dầu và đường ống tại Syria. Một nhà báo Nga điều tra về hoạt động của công ty này ở Syria đã chết vì "ngã từ ban công tầng 5" tại căn hộ ở Yekaterinburg hồi tháng 4, theo AFP.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga sử dụng các công ty an ninh tư nhân như Wagner tại các điểm nóng trên thế giới để giảm bớt rủi ro của hoạt động quân sự chính thức, trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích quan trọng của Moskva. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ bất cứ mối liên hệ nào với các nhóm lính đánh thuê này.

Moskva sau đó thừa nhận nhiều công dân nước này đã thiệt mạng tại Syria, sau khi quân đội Mỹ tuyên bố không kích gây thiệt hại nặng cho một đơn vị lính đánh thuê Nga tấn công vào mỏ dầu gần căn cứ của Mỹ ở Syria. Truyền thông Mỹ cho hay các trung đội lính đánh thuê của Wagner đã tham gia vào cuộc tấn công này.

Wagner được coi là một "đội quân bí mật" ở Nga, được cựu trung tá đặc nhiệm Nga Dmitriy Valeryevich Utkin thành lập năm 2014. Tháng 6/2017, công ty này bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì đã "tuyển mộ và triển khai các tay súng tới tham chiến cùng lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine".

Mỹ cũng đưa Utkin vào danh sách các cá nhân bị cấm vận vì đóng vai trò là "người sáng lập và lãnh đạo" của Wagner. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng Utkin không phải là người nắm quyền kiểm soát tuyệt đối với Wagner, bởi công ty này chịu sự chi phối của công ty Evro Polis do doanh nhân Prigozhin điều hành, theo BBC.

Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 1/2018 tiếp tục đưa Evro Polis vào danh sách cấm vận, mô tả đây là "công ty Nga hợp đồng với chính phủ Syria để bảo vệ các mỏ dầu ở nước này để đổi lấy 25% lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt". Bộ Tài chính Mỹ mô tả Evro Polis do Prigozhin "sở hữu và kiểm soát". Prigozhin bác bỏ cáo buộc.

Theo tờ RBC của Nga, Wagner vào năm 2016 có quân số 1.000 người, nhưng đến tháng 12/2017 đã tăng lên tới 6.000 người, trong đó có khoảng 2.500 lính đánh thuê đã được triển khai đến Syria.

Một nhóm lính đánh thuê được cho là đang hoạt động tại Syria. Ảnh: SOFREP.

Công ty này thường tuyển các cựu binh Nga tuổi đời từ 35 đến 55 và đưa đến trại huấn luyện ở Molkino, thuộc vùng Krasnodar, cách không xa biên giới phía nam giữa Nga và Ukraine. Khi đến trại huấn luyện, các thành viên của Wagner phải ký hợp đồng bảo mật 10 năm, trong đó quy định họ không được phép dùng Internet, không đăng ảnh, video hay bất cứ thông tin nào liên quan tới công ty lên mạng xã hội. Họ cũng không được phép tiết lộ với người thân hay bất cứ ai về địa điểm hoạt động của mình, dù là ở Nga hay nước ngoài.

Trong thời gian huấn luyện, họ được hưởng mức lương khoảng 1.100 USD/tháng, nhưng thu nhập sẽ tăng lên đáng kể khi được triển khai thực hiện nhiệm vụ. Một nguồn tin tiết lộ với BBC rằng lương của một sĩ quan Wagner ở Syria có thể lên tới 5.300 USD/tháng.

Trong khi Nga và chính phủ Cộng hòa Trung Phi đang điều tra về vụ sát hại ba nhà báo, người dân thành phố Damara đã nổi loạn vì lính đánh thuê Nga bị cáo buộc sát hại một dân thường, theo tờ Corbeau News Centrafrique. Cuộc biểu tình của dân địa phương đòi lính đánh thuê Nga rời khỏi thành phố đã biến thành bạo lực khiến nhiều người chết, trong đó có một công dân Nga.

Tác giả: Thành Nguyễn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP