Ảnh minh họa.
Bài toán cho chi tiêu
Không phải cứ khi nhận lương thì bàn ăn đầy đặn và ngược lại. Bạn phải có hẳn một bài toán rõ ràng cho việc chi tiêu trong tháng. Bao gồm tất cả chi phí cho từng thành viên trong gia đình, như tiền điện thoại, internet, xăng xe, cà phê, đi chợ, đám tiệc. Nếu có con thì tính thêm khoản chi phí cố định cho con. Bên cạnh đó, bạn phải dự phòng chi phí cho những khoản phát sinh như ốm đau, ma chay…
Từ bài toán chi tiêu này, bạn sẽ nhận thấy mình tránh được những khoản chi tiêu vô lý, dù là nhỏ thôi nhưng gom nhiều lại sẽ là khoản lớn. Và bạn sẽ hoàn toàn yên tâm tránh thiếu trước hụt sau khi đã có bài toán chi tiêu phù hợp.
Đặt 1 con heo đất trong nhà bếp
Hoặc để ở vị trí mà tất cả mọi người đều dễ thấy. Khuyến khích mọi người bỏ những đồng tiền lẻ vô ấy. Hoặc mỗi khi đi chợ về dư tiền, bạn bỏ vào ấy. Bạn đừng vội xem thường những đồng tiền lẻ này. Với cách mỗi thành viên đều gom tiền lẻ bỏ vào khi có, cuối tháng nó có thể giải quyết cho bạn 1 khoản chi tiêu nào đó như điện, internet, nước giặt, gạo… đấy!
Nói không với hàng rẻ, giảm giá
Đánh vào tâm lý của những người kinh tế khó khăn nên xuất hiện nhiều mặt hàng rẻ trên thị trường, từ đồ gia dụng đến giải trí, thời trang đến thức ăn, rau củ… Tuy nhiên, những mặt hàng này hầu hết là kém chất lượng, vì vậy bạn sẽ phải chịu một giá đắt hơn khi mua sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Thậm chí có những mặt hàng bạn mua chỉ vì rẻ nhưng không dùng đến thành ra rất lãng phí. Nên tuyệt đối nói không với loại mặt hàng này.
Tránh mua dự trữ
Các bà nội trợ thường có thói quen mua sẵn thức ăn dự trữ trong tủ lạnh, một phần vì thấy giá rẻ, phần khác vì tiện nên mua nhiều luôn. Nhưng đây là cách mua sắm thiếu thông minh nhất. Đa phần rau củ quả dự trữ trong tủ lạnh đều không tốt, mất hết vitamin và dinh dưỡng, chưa kể để lâu sẽ bị hư. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng và tiết kiệm chi tiêu, bạn chỉ mua đúng thứ mình cần, ngoài một số thứ có thể để lâu như hành củ, tỏi, gia vị…
Tác giả bài viết: Hà Anh