Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc đua của thế giới để tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới hiện nay. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phát biểu trong hội thảo “Nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, chiều 23/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một hội thảo đặc biệt về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo (Start-up) ở một địa phương với sự tham gia của Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và những lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng.
Hội thảo mở đầu cho một chuỗi công việc để đưa ra được mô hình và một số khuyến nghị cụ thể lên cấp có thẩm quyền về đổi mới sáng tạo, Start-up ở Việt Nam.
Ở tầm nhìn quốc gia, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các ngành khoa học dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Dù còn có tranh luận nhưng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang thực sự diễn ra với cả thời cơ lẫn thách thức và bình đẳng với tất cả các quốc gia. Để tham gia vào cuộc chơi chung của thế giới thì Việt Nam phải đổi mới hệ thống sáng tạo với cách làm sáng tạo hơn. Cùng với đó là phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và những ngành khoa học, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
“Nhưng ở thời điểm bây giờ chúng ta đã tận dụng hết lợi thế từ CMCN 3.0? Và cụ thể đối với CMCN 4.0 ở Việt Nam là làm những gì, với một địa bàn như Đà Nẵng thì làm gì? Chúng ta nói rất nhiều, bây giờ phải hành động”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Theo Phó Thủ tướng, trước hết phải xem xét, tính toán đến những vấn đề mà Việt Nam cần xử lý để có thể tận dụng được CMCN 4.0. Đó là yêu cầu tái cơ cấu lao động, nâng cao năng suất thông qua chuyển đổi 30% trên tổng số 39% lao động đang ở khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Điều đó có nghĩa sẽ phải cải thiện môi trường kinh doanh, có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà máy. Nhưng không phải là những DN kiểu cũ, công nghệ cũ, sản phẩm cũ mà theo xu thế mới của CMCN 4.0.
Bên cạnh phát triển nhanh còn phải bảo đảm yếu tố bền vững về môi trường và nhất là về xã hội, vốn bị sức ép tăng trưởng kinh tế làm lu mờ. “Có những vấn đề môi trường mất hàng chục năm để khắc phục và chi phí rất lớn nhưng đối với các vấn đề xã hội thì hậu quả phải mất hàng thế hệ mới giải quyết được. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta đi nhanh hơn nhưng buộc phải bền vững?”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam chỉ còn 15 năm nếu không hành động nhanh thì lợi thế đấy không còn nữa.
Đi vào cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia. Trước đây hệ thống này vận hành theo cách Chính phủ cung cấp ngân sách, can thiệp hành chính, chỉ đạo các trung tâm, viện nghiên cứu của nhà nước. Trong khi các trường đại học gần như không có nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chưa kể hiện nay có cách hiểu rất sai là đẩy ra tự chủ đại học thì không còn vốn ngân sách nhà nước, tăng học phí để bù vào nghiên cứu khoa học.
Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia thì viện nghiên cứu đổi mới, các trường đại học đổi mới, tự chủ nhưng ngân sách nhà nước phải bảo đảm nhất định trong đó có dành cho nghiên cứu khoa học. Các DN ở vị trí trung tâm, song không chỉ tiếp nhận kết quả nghiên cứu của viện, trường đại học mà còn chủ động đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Muốn vậy, thì cần có chính sách để DN thấy khi đầu tư cho khoa học thì được hưởng những ưu đãi cụ thể về thuế, vốn, cơ chế đất đai.
“Rất nhiều ưu đãi DN đầu tư vào khu công nghệ cao nhưng sau một vài năm khi nhiều luật khác ra thì những ưu đãi đó cũng không khác gì cả. Chưa kể nhiều chính sách ưu đãi không thực hiện được do vướng luật. Chúng ta cần có các tư vấn, kiến nghị chính sách pháp luật để phát huy, thúc đẩy hệ thống sáng tạo, khơi dậy sự sáng tạo, tôn vinh giá trị sáng tạo của mọi cá nhân”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
“Chính phủ mong muốn Tổ tư vấn kinh tế, các cơ quan nghiên cứu đề xuất những chính sách tháo gỡ chung cho cả nước trên tinh thần là hành động cụ thể, làm gì, làm như thế nào, phải sửa cái gì. Nói về những khó khăn mà cộng đồng Start-up đang gặp phải về vốn, thuế, thị trường ban đầu…, Phó Thủ tướng cho biết thêm nhiều “vườn ươm tạo” được thành lập nhưng cơ chế không rõ, DN Start-up rất khó vào. Chúng ta nói về thay đổi giáo dục đại học để mỗi một trường đại học là trung tâm sáng tạo, có những không gian sáng tạo, chương trình hỗ trợ sinh viên sáng tạo nhưng mới chỉ bước đầu. Kể cả thủ tục lập DN Start-up vẫn còn rất nhiêu khê nên có tình trạng ngồi ở Việt Nam nhưng lập DN Start-up ở nước ngoài, làm cho công ty nước ngoài.
Tác giả: Đình Nam
Nguồn tin: Báo Chính phủ