Kinh tế

Các động lực tăng trưởng năm 2025

Kinh tế Việt Nam 2025 đứng trước cơ hội bứt phá nhờ GDP tăng mạnh, lạm phát được kiểm soát và hạ tầng cải thiện, bất chấp thách thức toàn cầu.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó.

Năm 2024 vượt khó

Bất chấp những biến động toàn cầu, kinh tế Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 7,04 % (theo dự báo của IMF đưa ra vào tháng 10/2024) thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ và lấy lại đà tăng trưởng trước giai đoạn đại dịch.

Ông Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2024 sẽ vượt kế hoạch đặt ra.

Trước đó, Việt Nam đặt kế hoạch mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,5-6% cho năm 2024. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GDP đạt mức 6,82%. Kết thúc năm 2024, GDP dự báo đạt 7,06%.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, được minh chứng bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ. FDI giải ngân tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi FDI cam kết tăng 1,9% trong cùng kỳ. Ngành sản xuất chiếm 62,6% tổng vốn FDI cam kết trong giai đoạn đó, trong khi ngành bất động sản chiếm 19,0%, gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Song dù có những điểm sáng nhất định, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số khó khăn. Một điểm yếu quan trọng là khu vực kinh tế trong nước chưa đóng vai trò lớn trong tăng trưởng, trong khi các địa phương kinh tế đầu tàu (TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) đang giảm dần tỷ trọng GDP. Nguyên nhân xuất phát từ việc các địa phương này đã đạt tới mức phát triển tối đa, trong khi các tỉnh thành khác đang dần vươn lên.

Về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN), dù có sự cải thiện đáng kể so với 10 năm trước, nhưng mức độ hiệu quả chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.

Các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, may mặc và điện tử dù mang lại giá trị ngoại hối lớn nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, chủ yếu do DN vẫn dựa vào mô hình gia công.

Làm sao để thúc đẩy tăng trưởng năm 2025?

Năm 2025, tăng trưởng kinh tế cũng được đặt ra với mục tiêu khoảng 6,5-7%. Nằm trong những biến động trái chiều của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam muốn đặt được tăng trưởng tốt cần phải vượt qua nhiều thách thức.

Theo ông Lương Văn Khôi, năm 2025 lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Cả 3 khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn. Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng, đường điện cao thế 500kv mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô.

Ông Hoàng Xuân Trung - Trưởng phòng khách hàng DN (Ngân hàng Citi Việt Nam), trong thời gian tới kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng. Tăng trưởng GDP tiếp tục tăng trong những năm tới và giúp thu nhập bình quân đầu người tăng, trong khi đó dân số trẻ, thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, sẽ kích thích tiêu dùng nội địa.

Các biện pháp cải cách mạnh mẽ như sáp nhập, tinh giản bộ máy góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao khả năng ứng phó của nền kinh tế trước những biến động bất ngờ.

Cũng về những tác động tới nền kinh tế trong năm 2025, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến số mới, đặc biệt là trên mặt trận địa chính trị. Ông Hiếu nhấn mạnh, điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì 2025 có thể sẽ là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam.

Nêu cụ thể hơn về những biến số, ông Hiếu nhìn nhận, tỷ giá năm 2025 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của chính quyền ông Donald Trump. Mỹ là đối tác xuất khẩu số 1 của Việt Nam vì thế, những chính sách bảo hộ mậu dịch nếu thực hiện sẽ gây bất lợi cho Việt Nam.

Cùng với đó là tình hình địa chính trị khó lường tại nhiều nơi trên thế giới sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Về nội tại nền kinh tế, hiện tại, nhiều DN trong nước vẫn đang chật vật phục hồi, nên cần thêm những hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để phát triển bền vững hơn.

Theo chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, Việt Nam vẫn đang đạt mức tăng trưởng tốt. Xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng năm 2024, trong khi nhập khẩu tăng 16,8%; với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi. Ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc cùng chính sách tiền tệ phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi kinh tế từ đầu năm đến nay.

Tác giả: T.Hằng

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP