Du lịch

Các điểm du lịch khổ sở vì "khóa tình yêu"

Những ổ khóa tình yêu do khách du lịch bỏ lại đã trở thành "gánh nặng", cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho các công trình và môi trường chung của điểm du lịch.

Những ổ khóa tình yêu trở thành vấn đề nhức nhối của nhiều điểm đến du lịch, từ Mỹ cho đến châu Âu. Vào năm 2015, chính quyền thành phố Paris (Pháp) đã dỡ bỏ các ổ khóa tình yêu trên cây cầu nổi tiếng Pont des Arts. Khi đó trọng lượng của 700.000 đồ vật bằng kim loại (được cho là tương đương với 20 con voi) đã đe dọa kết cấu của cây cầu. Kể từ đó chính quyền địa phương đã dựng vách kính để ngăn chặn những ổ khóa mới xuất hiện.

Gỡ bỏ ổ khóa trên cầu Pont des Arts ở Paris, Pháp năm 2015. Nguồn: Remy de la Mauviniere/AP

Tại Melbourne (Australia) vào năm 2015, lực lượng chứng năng đã "giải cứu" cầu Southgate khi nó bị đe dọa bởi 20.000 ổ khóa tình yêu, chưa kể những nguy hại cho môi trường khi ước tính 40.000 chiếc chìa khóa đã bị ném xuống sông. Tại Leeds (Vương quốc Anh), một lệnh dỡ bỏ ổ khóa tình yêu cũng được ban hành sau những lo ngại về kết cầu của một số cây cầu.

Mới đây, hôm 12/10, Ban quản lý Công viên Grand Canyon tại Mỹ đã chỉ trích việc du khách lắp các ổ khóa là hành vi xả rác và gây mất mỹ quan. Tồi tệ hơn, sau khi để lại ổ khóa, khách du lịch thường vứt chìa khóa xuống các hẻm núi ở Grand Canyon. Đây không chỉ là hành động vứt rác mà còn gây nguy hiểm với một số loài động vật hoang dã, như chim kền kền, như có sở thích nuốt những thứ sáng bóng, như đồng xu, chìa khóa hoặc mảnh kim loại.

Phía Grand Canyon cũng khẳng định sẽ phá bỏ các ổ khóa tình yêu trên các hàng rào của công viên khoảng 2 năm 1 lần, đồng thời kêu gọi du khách chấm dứt hành động này: "Đừng góp phần tạo ra thói quen xấu và hãy thông báo cho người khác về tác hại của hành động này tới môi trường tự nhiên".

Công viên Grand Canyon tại Mỹ coi hành vi lắp các ổ khóa là xả rác và gây mất mỹ quan. Nguồn: D. Pawlak/Grand Canyon National Park/NPS

Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại các ổ khóa tình yêu sẽ tiếp tục xuất hiện tại các điểm du lịch. "Việc này quá dễ dàng. Ổ khóa rẻ tiền, dễ viết và dễ móc lên một cây cầu hay hàng rào nào đó. Việc chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội cũng rất đơn giản" - Giáo sư Ceri Houlbrook tại Đại học Hertfordshire, Vương quốc Anh nhận xét. Vấn đề cần làm là thay đổi hành vi của du khách: "Khi thấy một thứ kỳ lạ tại không gian công cộng, điểm du lịch, khách du lịch sẽ bắt chước làm điều đó. Họ thực hiện và ghi lại nó trên mạng xã hội, và từ đó nó lan rộng ra toàn cầu”.

Sở Giao thông New York (Mỹ) đã đưa ra những giải pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn các ổ khóa bao vây những cây cầu trong thành phố. Năm 2016, một lệnh cấm gắn ổ khóa lên cầu Brooklyn đi kèm với mức phạt 100 USD cho hành vi này đã được ban hành. Theo nhà chức trách tại New York, tháo dỡ 11.000 ổ khóa vào năm 2015 đã tốn nhiều công sức và chi phí hơn 100.000 USD mỗi năm.

Bảng cấm các ổ khóa và cảnh báo hình phạt 100 USD trên cầu Brooklyn tại New York, Mỹ. Nguồn: Christopher Lee/The New York Times

Henry Perahia, người từng là kỹ sư trưởng cầu Brooklyn cho biết số lượng lớn các ổ khóa tập trung tại một vài vị trí khiến nhân viên bảo trì khó tiếp cận các bộ phận của cây cầu. Việc cắt tháo ổ khóa cũng không đơn giản vì tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các phương tiện bên dưới, nếu ổ khóa bị rơi xuống. Và trên hết là trọng lượng của các ổ khóa là "gánh nặng" cho những cây cầu cũ, vốn không được tính toán trong thiết kế ban đầu của chúng.

Tác giả: Nam Anh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP