Sau ‘khủng hoảng’, C2, Rồng đỏ giờ ra sao?
Còn nhớ, vào cuối năm 2014, vì một con ruồi trong chai nước, nhãn hàng của Tân Hiệp Phát đã thiệt hại 2.000 tỉ đồng (theo như những gì đại diện Tân Hiệp Phát công bố). Hai sản phẩm chịu thiệt hại lớn nhất là nước tăng lực Number 1 và Trà xanh 0 độ.
Mới đây, URC sau nhiều năm C2 đứng ở vị trí thứ hai, chưa kịp “soán ngôi” thị trường trà xanh đóng chai thì cũng dính vào một vụ bê bối tương tự.
Hàng loạt lô sản phẩm bị thu hồi vì hàm lượng chì vượt mức công bố khiến công ty URC bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 5,8 tỉ đồng.
Không dừng lại ở đó, với scandal trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm chì, các chuyên gia thương hiệu nhận định: “Khủng hoảng” này ảnh hưởng khá nhiều tới uy tín của công ty URC Việt Nam. Thậm chí, tổng thiệt hại có khi còn lớn hơn vì nó liên quan trực tiếp tới chất lượng của sản phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dùng, chứ không như Tân Hiệp Phát, nguyên nhân nhãn hàng này bị công chúng chỉ trích mạnh mẽ nằm ở thái độ đối đầu với người tiêu dùng.
Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, sau hơn 1 tháng việc C2, Rồng đỏ nhiễm chì bị phát giác, sức mua của các sản phẩm giải khát này đã giảm đi một cách trông thấy. Không chỉ ở các siêu thị, đại lý bán lẻ lớn mà cả ở các tiệm nước giải khát vỉa hè nhỏ lẻ, lượng người mua cũng hụt đi rõ rệt.
Big C The Garden giảm giá loại C2 500ml nhưng nhiều người mua vẫn thờ ơ. Ảnh: P.Ngọc.
Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, anh Trần Ngọc Thực, nhân viên bán hàng của quầy hàng nước giải khát tại siêu thị BigC The Garden (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày, có khoảng 85% khách hàng vào đều nói: Nó (C2 – Rồng đỏ - pv) bị nhiễm chì nên không mua. Trước đây, một ngày, chúng tôi có thể bán được 10 thùng C2 nhưng với thông tin xấu gần đây, siêu thị bán chưa đầy 1 thùng/ngày”.
Cũng theo anh Thực, mặc dù thời gian này, siêu thị đang triển khai đồng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá đối với loại C2 hương chanh 500ml từ 36.200 đồng/lốc xuống còn 32.500 đồng/lốc, nhưng sức tiêu thụ vẫn không nhỉnh hơn là mấy. Thậm chí, ngay cả ở siêu thị BigC Thăng Long, sức mua cũng giảm. Chưa kể tới việc nhiều siêu thị trong nước đã chính thức lên tiếng “cấm cửa” trong việc nhập hàng, bán hàng C2, Rồng đỏ sau khi có thông tin ban đầu về việc loại đồ uống này nhiễm chì như siêu thị Lotte Mart…
Theo chia sẻ của nhân viên bán hàng tại BigC, diện tích trưng bày của gian hàng C2 hương chanh cũng đã bị thu hẹp lại, thay vào đó, công ty URC đang mở rộng tiếp thị quảng báo và bày bán nhiều hơn sản phẩm C2 hương táo.
Sau sự cố C2, Rồng đỏ nhiễm chì: “Sức mua giảm 1 nửa”
Ở các quầy hàng nước giải khát – đồ ăn nhanh trong bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), những chai C2 vẫn được bày bán ở những vị trí bắt mắt trên kệ hàng, tuy nhiên, như bật mí của người chủ của hàng của kiot số 3: “Lượng người mua đã giảm đi 1 nửa. Ngày trước, mỗi ngày, tôi bán giỏi nhất được khoảng 20 chai C2 nhưng giờ chỉ bán được nhiều nhất 10 chai là cùng”.
Chủ cửa hàng đồ ăn nhanh ở bến xe Mỹ Đình cho biết: Sức mua C2 đã giảm 1 nửa. Ảnh: P.N.
Tại các vùng nông thôn, mặc dù các thông tin trên các phương tiện truyền thông chưa được lan truyền một cách rộng rãi nhưng người mua cũng bắt đầu cảnh giác hơn với loại nước uống C2, Rồng đỏ này.
Cô Nguyễn Thị Hà, chủ đại lý hàng tạp hóa tại Chợ Quán, Yên Từ (Yên Mô, Ninh Bình) tâm sự: Nhiều người dân khi ra mua hàng cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về chất lượng của C2, Rồng đỏ vì họ cũng nghe phong phanh trên tivi, báo đài về việc một số lô thuộc 2 loại nước này bị nhiễm chì và đã được tiêu hủy.
“Khi tôi đem trăn trở của người dân phản ánh với đơn vị cung ứng thì phía công ty của họ giải thích rằng: Loại nhiễm chì chỉ dừng ở 2 lô sản xuất tháng 2 và tháng 11/2016 thôi, chứ các sản phẩm được sản xuất ở các tháng khác thì yên tâm, không vấn đề gì” – cô Hà thành thật nói.
Tuy vậy, bà chủ của tiệm tạp hóa này cũng buồn rầu chia sẻ: “Sức mua cũng giảm một nửa đấy. Trước đây, tôi nhập hàng về một tháng bán được 10 thùng thì bây giờ chỉ bán được khoảng 5 thùng thôi, hoặc tháng nào cao điểm vào mùa hè thông thường bán được 20 thùng nhưng giờ tiêu thụ chậm, tính ra chỉ được khoảng 10 thùng”.
Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng những ngày qua đã chia sẻ nhiều đoạn clip người dân ở các tỉnh lẻ, nông thôn “nói không với Rồng đỏ”. Đoạn clip ghi lại cảnh những người dân tự mình đổ thứ nước độc hại này vào trong toilet và tiêu hủy hoặc đổ bỏ nó xuống mương, máng, cuốn theo dòng nước trôi đi.
Đoạn clip 2 người dùng đổ Rồng đỏ vào toilet được chia sẻ nhiều trên mạng. Ảnh chụp Facebook.
Nhiều ý kiến cho rằng: Khi các cơ quan chính quyền hay pháp luật chưa thể đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dùng nếu lỡ uống phải C2, Rồng đỏ nhiễm chì thì bản thân họ phải tự tìm cách bảo vệ chính mình trước hết.
Bởi lẽ, theo như thông tin từ Thanh tra Bộ Y tế: 2 lô hàng nhiễm chì trị giá tới 3,9 tỉ đồng (tương đương với gần 1 triệu chai C2, rồng đỏ) đã đưa vào thị trường và không thể thu hồi được.
Thậm chí, trên trang fanpage chính thức của C2, công ty URC cũng kêu gọi người dùng: Nếu ai phát hiện ra sản phẩm C2, Rồng đỏ nào trong diện nhiễm chì bị thu hồi mà nhà sản xuất và các cơ quan chức năng chưa phát hiện ra thì hãy liên lạc với công ty để tiến hành tịch thu và tiêu hủy.
Như vậy, có ai dám chắc chắn khẳng định rằng: Các sản phẩm C2, Rồng đỏ đang lưu thông, buôn bán ngoài kia không nhiễm chì, vì có tới gần 1 triệu chai chứa “độc tố” vẫn đang trôi nổi?! Hơn nữa, các cơ quan chức năng đã rà soát, kiểm nghiệm tất cả các sản phẩm hiện có của URC chưa? Câu trả lời là chưa. Họ mới chỉ kiểm nghiệm những lô hàng trong diện nghi ngờ sau khi có kết quả kiểm nghiệm “xấu” và tiến hành thử nghiệm đối với một số lô bất kỳ trong đợt thanh kiểm tra vừa rồi mà thôi!
Đến thời điểm này, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như Thanh tra Bộ Y tế chưa có phát ngôn chính thức nào tuyên bố hay khuyến cáo người dân nên hay không nên uống sản phẩm C2, Rồng đỏ trên thị trường.
Chính vì lý do đó, nhiều người tiêu dùng đã rỉ tai nhau: Tạm thời không uống C2, Rồng đỏ cho tới khi các cơ quan chức năng có những cảnh báo cụ thể, rõ ràng hơn.
Tác giả bài viết: Dương Phương Ngọc