Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungong |
Tại cuộc gặp gỡ và làm việc với Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng Thư ký Martin Chungong, người bạn thân thiết của Quốc hội Việt Nam; đồng thời cảm ơn Ngài Tổng Thư ký đã tham dự Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 1/2018 vừa qua, thể hiện tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ của Tổng Thư ký IPU đối với Quốc hội, cũng như đất nước, con người Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phát biểu của Tổng Thư ký Martin Chungong tại phiên thảo luận toàn thể của APPF-26 đã nêu bật thông điệp về việc thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện trên thế giới, sự phát triển của ngoại giao nghị viện vì hòa bình và phát triển.
APPF-26 với sự tham gia của Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU mở đầu cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2018 và là dịp để các bên trao đổi các biện pháp hợp tác triển khai thực hiện nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tổng Thư ký IPU nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Thụy Sĩ tham dự IPU-138. Bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng Thư ký IPU đánh giá cao vai trò tích cực của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong việc tham dự đầy đủ các sự kiện của IPU, thể hiện vai trò là thành viên tích cực trong IPU.
Chủ tịch Quốc hội hài lòng nhận thấy đã có những kết quả hợp tác cụ thể nhằm hiện thực hóa mối quan hệ đối tác nghị viện giữa Liên minh Nghị viện thế giới với Quốc hội Việt Nam và đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam; đồng thời cảm ơn Ngài Tổng Thư ký đã ủng hộ, hợp tác và hỗ trợ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng như Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để giới thiệu Bộ công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tới các đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi Tổng Thư ký Martin Chungong trao đổi với đại diện UNDP tại Việt Nam về ý tưởng này, Quốc hội Việt Nam đã giao Ủy ban Đối ngoại là đầu mối hợp tác chặt chẽ với UNDP tại Việt Nam để xây dựng kế hoạch tổ chức công bố rộng rãi, giới thiệu về Bộ Công cụ tới các đại biểu Quốc hội trong năm 2018.
Tổng Thư ký IPU bày tỏ vui mừng về sự phát triển đi lên của Việt Nam hiện nay, trong đó có những nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời cảm ơn Việt Nam đã tổ chức thành công APPF-26; cho rằng, Việt Nam đã chứng minh là một thành viên tích cực, trách nhiệm của Liên minh Nghị viện thế giới trong hợp tác, đóng góp cho sự phát triển của IPU.
Tổng Thư ký IPU bày tỏ vui mừng khi ý tưởng về dịch Bộ công cụ tự đánh giá việc thực hiện SDGs sang tiếng Việt đã thành hiện thực; mong muốn Bộ công cụ này sẽ sớm được giới thiệu đến các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò quan trọng cũng như những đóng góp của Ngài Tổng Thư ký đối với diễn đàn liên nghị viện IPU, đặc biệt trong những năm gần đây có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đổi mới hoạt động của Ban Thư ký IPU, hỗ trợ việc triển khai các chương trình, chiến lược của IPU, tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói của các nghị viện, nghị sỹ đối với các vấn đề quốc tế, hướng tới đạt được các mục tiêu chung của IPU vì hòa bình, dân chủ và thịnh vượng…
Nhân dịp này, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã chia sẻ về Nghị định thư nhằm loại bỏ buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá. Đây là một nghị định thư nằm trong khuôn khổ Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá. Nghị định thư sẽ có hiệu lực sau khi được 40 quốc gia phê chuẩn. Tổng Thư ký IPU bày tỏ mong muốn, với vai trò tiên phong tích cực của mình, Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn nghị định thư này.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong phòng chống tác hại cũng như buôn bán trái phép thuốc lá. Điều này được thể hiện trong việc Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó quy định rõ trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá… Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng phê chuẩn Nghị định thư sau khi xem xét phù hợp với chính sách pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Trong chuyến công tác từ ngày 24-25/3 tham dự IPU-138 tại Geneva, Thụy Sỹ, cuộc gặp gỡ và làm việc với Tổng Thư ký IPU là hoạt động cuối cùng trong chuỗi các hoạt động làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trước khi lên đường thăm chính thức Vương quốc Hà Lan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Tsveta Karayancheva. |
Bên lề Đại hội đồng IPU-138 tại Geneva, Thụy Sỹ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Tsveta Karayancheva.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng gặp Chủ tịch Quốc hội Tsveta Karayancheva; đồng thời khẳng định, Việt Nam và Bulgaria có mối quan hệ hữu nghị và truyền thống tốt đẹp. Nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao và biết ơn sự giúp đỡ, ủng hộ hiệu quả mà nhân dân Bulgaria đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan hệ hai nước thời gian qua đã phát triển tích cực, nhất là lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn qua cuộc gặp này, hai bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, các ngành và địa phương cũng như giữa các cơ quan của Quốc hội hai nước để thảo luận cụ thể các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực.
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có những đánh giá và dành những tình cảm tốt đẹp đối với Bulgaria và mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Tsveta Karayancheva khẳng định Việt Nam luôn có vai trò quan trọng đối với Bulgaria nói riêng và trong phát triển kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, quan hệ kinh tế-thương mại song phương đã có những bước phát triển tích cực thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước. Năm 2017 kim ngạch hai chiều đạt gần 110 triệu USD. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên sớm tiến hành Khóa họp lần thứ 24 của Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Bulgaria về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực Bulgaria có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: năng lượng, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường, chế biến thực phẩm… để đưa kim ngạch hai nước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Bulgaria đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 4.000 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học; khẳng định, đội ngũ này chính là tài sản vô giá, là nhân tố tích cực góp phần gắn kết hai nước; đề nghị hai bên khuyến khích các cơ sở đào tạo của hai nước hợp tác trực tiếp, tăng số học bổng hàng năm cho chương trình đại học và trên đại học.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của hai nước tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế; cảm ơn Bulgaria đã ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015-2019, Hội đồng kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021… Từ tháng 1/2018, Bulgaria đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên EU. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bulgaria ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Bulgaria nói riêng và EU nói chung tăng cường quan hệ với các nước ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ hợp tác giữa Chính phủ hai nước và sẽ làm hết sức mình để mối quan hệ Việt Nam-Bulgaria phát triển lên tầm cao mới, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại song phương giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Bulgaria. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chủ tịch Quốc hội Bulgaria ủng hộ và thúc đẩy việc tăng cường giao lưu giữa hai Nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước.
Nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Tsveta Karayancheva khẳng định Bulgaria sẽ làm hết sức mình ủng hộ Việt Nam trên cương vị Chủ tịch luân phiên của EU, ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hiện nay, Quốc hội Bulgaria cũng đã thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam, quy tụ nhiều nghị sỹ hoạt động rất năng động, có chuyên môn tốt.
Chủ tịch Quốc hội Tsveta Karayancheva tin tưởng các nghị sỹ này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước cũng như hai nước. Chủ tịch Quốc hội Bulgaria cũng đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác du lịch; bày tỏ hy vọng Bulgaria sẽ trở thành điểm đến của du khách Việt Nam.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Tsveta Karayancheva trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Bulgaria trong thời gian tới để Quốc hội hai nước trao đổi cụ thể hơn các biện pháp tăng cường quan hệ song phương cũng như quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Tsveta Karayancheva và trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Bulgaria sớm sang thăm chính thức Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ông Karu Jayasuriya |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng nhận thấy thời gian qua quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Sri Lanka và mong muốn đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa dựa trên tiềm năng và lợi thế của mỗi bên.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao tại Sri Lanka trong năm 2018; sớm triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp Bộ trưởng Công an. Hai bên cần triển khai hiệu quả kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Sri Lanka và các văn kiện hợp tác đã ký; xem xét sửa đổi, ký mới các văn kiện phù hợp với tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc gặp bên lề Hội nghị IPU-138; vui mừng thông báo Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đều rất quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam và mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được các thành tựu về kinh tế, thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là hình mẫu cho sự phát triển về kinh tế, xã hội mà Sri Lanka mong muốn tìm hiểu và học tập. Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya bày tỏ tin tưởng rằng việc tăng cường trao đổi giữa nghị sỹ, nghị viện các nước sẽ thúc đẩy sự phát triển của Quốc hội Sri Lanka.
Về quan hệ kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao thương mại song phương hai nước tăng trưởng khá, đạt hơn 200 triệu USD năm 2017. Hai nước đang có tiềm năng hợp tác rất lớn, vì vậy cần đẩy mạnh khai thác, nhất là đối với các lĩnh vực chủ chốt như: dầu khí, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, dệt may, cao su, da giày, chế biến và phân phối nông sản và thủy sản, sản xuất và tiêu thụ sữa, năng lượng tái tạo, vận tải hàng không và hàng hải….
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên sớm họp Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp lần thứ 2 tại Việt Nam nhằm trao đổi các biện pháp đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt mục tiêu 1 tỷ USD; tăng cường các biện pháp xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương, đặc biệt là thúc đẩy kết nối hàng không; đề xuất phương hướng triển khai hiệu quả Thỏa thuận xúc tiến và bảo hộ đầu tư và Biên bản hợp tác thúc đẩy đầu tư song phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Việt Nam sẵn sàng tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật phát triển nông - ngư nghiệp với Sri Lanka; mong hai bên hỗ trợ lẫn nhau, tránh cạnh tranh đối với các sản phẩm hai bên cùng có thế mạnh như chè, càphê, thủy sản.... Bên cạnh đó, hai bên cần quan tâm tới các lĩnh vực có tiềm năng khác như: giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, viễn thông, cơ sở hạ tầng thông tin và kỹ thuật số, du lịch, trao đổi văn hóa, nghệ thuật, giao lưu thanh niên…
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự ủng hộ của Sri Lanka đối với việc Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka ứng cử vào vị trí Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo nhiệm kỳ 2018-2022; mong các cơ quan sở tại tiếp tục ủng hộ Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka hoàn thành nhiệm vụ. Việt Nam ủng hộ Sri Lanka tăng cường hợp tác cụ thể, chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa với ASEAN, là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai khối ASEAN và Hiệp hội Nam Á vì sự Hợp tác Khu vực (SAARC).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội Sri Lanka quan tâm thúc đẩy, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội hai nước để thúc đẩy đẩy hơn nữa quan hệ song phương hai nước phát triển sâu rộng và toàn diện hơn nữa. Cơ quan lập pháp hai nước phối hợp rà soát, giám sát việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết giữa hai Chính phủ và các bộ, ngành để những hiệp định này mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết; mong muốn Sri Lanka ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN, nhất là trong các nội dung có tính nguyên tắc như: tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình...
Nhất trí với những ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về hợp tác thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya nhấn mạnh Sri Lanka luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Sri Lanka có thế mạnh như khai thác tiềm năng biển; bày tỏ mong muốn hai nước sớm mở đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi thu hút hơn nữa trong đầu tư kinh doanh, du lịch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Hạ viện Indonesia |
Bên lề Đại hội đồng IPU-138, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Hạ viện Indonesia Bambang Soesatyo và Đoàn đại biểu Indonesia.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Đoàn đại biểu Nghị viện Indonesia đã tham dự Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26 tổ chức tại Hà Nội tháng 1/2018 vừa qua; cho rằng, sự tham dự của đoàn là sự ủng hộ quý báu, góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội nghị do Quốc hội Việt Nam chủ trì.
Trước sự phát triển của quan hệ hai nước trong những năm gần đây, Chủ tịch Quốc hội khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ, phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, nâng cao hơn nữa sự gắn kết giữa các thành viên trong Cộng đồng ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc hai bên đang hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng; thúc đẩy sớm ký Thỏa thuận phối hợp tuần tra, lập đường dây nóng giữa hải quân hai nước, lập cơ chế đối thoại chính sách cấp Thứ trưởng Quốc phòng.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia Bambang Soesatyo bày tỏ vui mừng khi gặp đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-138); tin tưởng rằng, cuộc gặp này sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa cơ quan lập pháp hai nước.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan lập pháp hai nước cần tăng cường hợp tác trao đổi đoàn các cấp và giám sát những thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước; bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục được tăng cường, góp phần gắn kết hơn nữa mối quan hệ Indonesia-Việt Nam.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hạ viện Indonesia cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Indonesia làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2020. Indonesia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Về lĩnh vực kinh tế, Indonesia mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia trong những lĩnh vực như: thăm dò, khai thác dầu khí. Chủ tịch Hạ viện Indonesia hy vọng, Việt Nam là một trong những bạn hàng thương mại lớn của Indonesia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với những ý kiến của Chủ tịch Hạ viện Indonesia; đồng thời cho rằng, tiềm năng hợp tác hai nước nhất là về thương mại và đầu tư còn rất lớn, cần tăng cường hợp tác để đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Cùng với đó, để tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiềm năng và lợi thế như hợp tác biển, đại dương và nghề cá, Chủ tịch Quốc hội mong Chủ tịch Hạ viện Indonesia quan tâm thúc đẩy cơ quan hữu quan tích cực tìm kiếm giải pháp nhằm sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển mà hai bên đã phân định ranh giới thềm lục địa năm 2003, hai bên sớm ký Bản Ghi nhớ về hợp tác Thủy sản và nghề cá, thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Đánh giá cao Indonesia tích cực hợp tác giải quyết đưa ngư dân Việt Nam về nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai bên cần giải quyết vấn đề này trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược và cùng là thành viên trong cộng đồng ASEAN; đặc biệt Indonesia cùng Việt Nam thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN đã bước vào năm thứ 3 kể từ khi thành lập năm 2015. Trong thời gian qua, Cộng đồng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ASEAN trên khu vực và thế giới.
Chủ tịch Quốc hội mong hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ và cùng các nước ASEAN khác gia tăng hợp tác nội khối, tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; cùng các nước đối tác giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Indonesia thời gian qua luôn duy trì và phát triển tốt đẹp trên cả khuôn khổ song phương và đa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc trao đổi đoàn giữa hai bên chưa được nhiều, do vậy đề nghị hai bên trong thời gian tới cần quan tâm tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, chú trọng hợp tác giữa các ủy ban chuyên môn nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động nghị viện, đồng thời tăng cường phối hợp với nhau tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, nhất là tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF); hai bên cần tăng cường, thúc đẩy giao lưu giữa hai Nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước…
Nhân dịp này, qua Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch Quốc hội gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe tới Chủ tịch Thượng viện Indonesia; đồng thời trân trọng mời Chủ tịch Hạ viện Indonesia sớm sang thăm chính thức Việt Nam trong thời gian thích hợp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương, cũng như sự phối hợp và hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước tại các Diễn đàn Nghị viện thế giới và liên khu vực.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Công lý