Thế giới

Các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam mơ ước trở lại Triều Tiên

Nhiều nhà sản xuất của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang phải vật lộn với chi phí lao động cao và tăng trưởng chậm lại, vì vậy CHDCND Triều Tiên có công nhân rẻ hơn nhiều và tài nguyên chưa được khai thác là một cơ hội không thể bỏ lỡ.

Theo báo Pakistan Today, đầu năm 2016 ông Choi Dong-jin cùng với khoảng 120 chủ doanh nghiệp Hàn Quốc khác đã miễn cưỡng đóng cửa các nhà máy tại một khu công nghiệp ở Triều Tiên sau khi Seoul ra lệnh buộc đóng cửa nhằm đáp trả vụ thử tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.

Để tìm kiếm lao động giá rẻ, ông Choi đã chuyển doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc của mình sang Việt Nam, gia nhập khoảng một phần tư các chủ nhà máy từ Khu công nghiệp Kaesong di dời đến Việt Nam và Campuchia.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần hai sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam sẽ dẫn đến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và hồi sinh Khu công nghiệp Kaesong.

Cho đến nay, mối quan hệ nồng ấm giữa hai miền Triều Tiên và hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa ông Kim và ông Trump vào năm ngoái ở Singapore vẫn chưa mang lại kết quả như các doanh nghiệp Hàn Quốc mong đợi. Họ hy vọng sẽ nhìn thấy một sự thay đổi thực sự từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triểu lần hai.

Chính quyền của Tổng thống Trump trước đây đã tuyên bố sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Công nhân ngành may mặc Hàn Quốc. Ảnh: PAKISTAN TODAY

Một tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần hai, ông Trump đã nhắc đến khả năng có thể dỡ bỏ trừng phạt nếu Triều Tiên có những bước tiến có ý nghĩa trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên hồi năm ngoái, đã nói với ông Trump hôm 19-2 rằng Hàn Quốc sẵn sàng mở giao kết kinh tế với Triều Tiên như một sự nhượng bộ nếu Bình Nhưỡng thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.

Kaesong là một trong những dự án hàng đầu mà hai miền Triều Tiên dự kiến sẽ thảo luận, cùng với các tuyến đường sắt và một trung tâm du lịch trên núi.

Một nhóm các chủ sở hữu nhà máy Kaesong trước đây đã từng cân nhắc việc đến Việt Nam trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai để vận động mở lại Khu công nghiệp Kaesong.

Tại cơ sở sản xuất ở Khu công nghiệp Kaesong trước kia, ông Choi đã thuê khoảng 600 người Triều Tiên để sản xuất quần jean và quần đánh golf cho các công ty Hàn Quốc, bao gồm cả chi nhánh thời trang của Tập đoàn Samsung. Ông trả cho họ mức lương hàng tháng khoảng 200 USD, bao gồm cả tiền làm thêm giờ.

Sau khi đóng cửa, ông Choi thành lập một liên doanh may mặc mới gần Hà Nội với một đối tác Việt Nam. Ở đó, công nhân địa phương đã nhận được tiền thưởng ngày lễ và bảo hiểm với mức khoảng 300 USD/tháng.

Vào thời kỳ đỉnh cao, Khu công nghiệp Kaesong đã thuê 55.000 công nhân Triều Tiên trong các nhà máy thuộc sở hữu của Hàn Quốc, sản xuất mọi thứ từ đồ chơi đến hàng dệt may và đồ điện tử cho các thị trường phía nam bán đảo Triều Tiên. Nhà máy này đã tạo ra tới 100 triệu USD một năm, vốn rất cần thiết cho Triều Tiên.

Khoảng 14% các công ty từng hoạt động tại Kaesong đã ngừng hoạt động kể từ khi khu công nghiệp này bị đóng cửa, theo một cuộc khảo sát vào tháng 4-2018 của Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc. Gần như tất cả các chủ sở hữu các công ty ở Kaesong trước đây muốn quay trở lại Triều Tiên.
Nhiều nhà sản xuất của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang phải vật lộn với chi phí lao động cao và tăng trưởng chậm lại. Vì vậy, Triều Tiên có công nhân rẻ hơn nhiều và tài nguyên chưa được khai thác là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc, Triều Tiên là vấn đề sống còn.

Tác giả: KIM NGUYÊN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP