Buổi trưa tại quán cà phê của ông Thân Hùng Đảnh (ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) có gần 10 người đang tranh luận nảy lửa về việc một gia đình hàng xóm thường xuyên hát karaoke phát ra âm thanh lớn, ảnh hưởng đến người dân cả ấp khiến mọi người vô cùng bức xúc.
Dân quậy đến quán trở thành người tốt
Đa số mọi người thống nhất ý kiến cần phản ánh lên chính quyền địa phương để xử lý vì luật có quy định xử phạt về hành vi hát karaoke quá giờ gây tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, một phụ nữ lại phản bác rằng trước giờ chị thấy nhiều người “vẫn hát karaoke ồn ào mà có bị ai xử lý đâu” và đó là quyền tự do của mọi người thì làm sao xử phạt được.
Hai bên tranh luận rất quyết liệt cho đến khi một người đàn ông đưa ra Nghị định số 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này nêu rõ hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn thì bị phạt cảnh cáo và phạt hành chính lên đến 160 triệu đồng. Lúc này người phụ nữ mới thôi tranh cãi.
Ông Đảnh góp chuyện: “Từ ngày đặt tủ sách pháp luật ở đây, quán tôi đông vui hẳn lên. Ngày nào mọi người đến uống nước cũng lấy sách đọc rồi chia sẻ thông tin với nhau, có khi lấy sự việc ở đời thường rồi đem ra tranh luận. Nhờ vậy mà người dân ở đây có hiểu biết về luật nhiều hơn rồi”.
Ông Đảnh cho biết quán cà phê pháp luật này ra mắt vào tháng 8-2016. Trước đó chính quyền địa phương có đến khảo sát và chọn quán ông để đặt tủ sách pháp luật này. Do nhìn thấy một số nơi khác thực hiện mô hình này hay và hiệu quả nên ông đã mạnh dạn đồng ý.
Theo ghi nhận, tủ sách pháp luật (tủ kính, viền nhôm) được đặt ở một góc dễ nhìn thấy ở quán. Bên trong tủ để rất nhiều sách, các tờ bướm về pháp luật, trong đó có cả những quyển sách luật vừa được sửa đổi, bổ sung và được Quốc hội thông qua như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2105 (sửa đổi, bổ sung 2017),… tất cả được đặt rất gọn gàng, ngăn nắp. Bên trong quán còn treo một số tấm bảng ghi những trường hợp được trợ giúp pháp lý, địa chỉ trung tâm, điểm trợ giúp pháp lý tại Cần Thơ.
Có rất nhiều đầu sách pháp luật để người dân tìm đọc tại quán cà phê pháp luật. Ảnh: H.DƯƠNG |
Người dân vừa uống cà phê vừa tìm hiểu kiến thức pháp luật tại quán cà phê pháp luật ở xã Đông Thuận. Ảnh: H.DƯƠNG |
“Đặt tủ sách pháp luật ở đây tôi thấy bà con mình thích lắm, thường xuyên đến tìm đọc và mượn sách. Những lúc rảnh tôi cũng lấy sách ra đọc, hiệu quả tích cực lắm à! Trước đây có mấy người thuộc dạng ăn chơi quậy quạng thường đến quán tôi uống cà phê, thấy tủ sách pháp luật họ cũng lấy đọc. Cộng thêm việc nghe bà con bàn bạc, trao đổi về các vấn đề đúng, theo pháp luật, dường như họ hiểu ra nên dần dần tôi thấy họ thay đổi hẳn, trở nên tốt hơn” - ông Đảnh hớn hở cho hay.
Anh Trần Thanh Phương cho biết anh có cửa hàng kinh doanh điện thoại di động nhưng anh không rõ các quy định trong kinh doanh. “Khi có tủ sách pháp luật ở đây, tôi đến đọc thì mới biết là có cả luật kinh doanh. Nhờ đó mà tôi biết được những quy định trong kinh doanh như mặt hàng, thuế…. Bên cạnh đó, tôi cũng nghiên cứu thêm các quy định liên quan đến an ninh trật tự xã hội, các tệ nạn như đá gà, đánh bài… Uống cà phê mà lại được “đã khát” luật đó nghe. Tôi thấy mô hình này rất hay, hy vọng sẽ ngày càng được nhân rộng hơn” - anh Phương chia sẻ.
“Nhà tôi ở gần đây, lúc nào rảnh là tôi chạy qua quán uống cà phê. Hồi đó không có tủ sách thì tôi chỉ uống cà phê rồi về. Từ khi có tủ sách, lần nào tôi qua uống cũng lấy sách đọc, vừa nhấm nháp cà phê giải trí vừa có kiến thức pháp luật thì còn gì bằng!” - anh Nguyễn Quốc Bằng tỏ ra thích thú nói.
Kiến thức pháp luật gần gũi, dễ nhớ
Bà Huỳnh Thái Như Ngọc, Trưởng phòng Phổ biến pháp luật Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết mô hình “quán cà phê pháp luật” được ra mắt và thực hiện thí điểm tại một huyện thuộc TP Cần Thơ từ năm 2013.
Đến nay, trên toàn TP Cần Thơ có 110 điểm quán cà phê pháp luật, trong đó có bảy điểm quán do Sở Tư pháp quản lý. “Đây là một trong những sáng kiến mới về mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trước đây, các tủ sách được đặt ở các cơ quan hành chính nhà nước, người dân rất ngại đến mượn dẫn đến tủ sách chưa phát huy hết hiệu quả. Với mô hình này, tủ sách pháp luật được đặt tại các điểm quán cà phê, gần gũi với người dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Mục tiêu của mô hình là hướng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở vùng xa, vùng mà người dân ít có điều kiện tiếp cận các phương tiện thông tin và tìm hiểu pháp luật” - bà Ngọc cho biết.
Tại mỗi điểm đặt tủ sách đều có danh mục sách và tài liệu tuyên truyền, được hỗ trợ các đầu sách pháp luật mới theo mỗi kỳ Quốc hội thông qua cùng các loại tờ gấp pháp luật. Mỗi tủ sách có từ 100 đến 300 quyển với trên 50 đầu sách các loại. Hằng ngày, tại các điểm, trung bình có khoảng 15 đến 20 lượt khách nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật hoặc mượn sách.
Qua năm năm hoạt động, mô hình quán cà phê pháp luật tại TP Cần Thơ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Mặc dù mô hình vẫn còn gặp một số khó khăn về quản lý và việc trang bị đầu sách pháp luật tại một số điểm quán đôi lúc chưa kịp thời nhưng có thể xác định rằng mô hình quán cà phê pháp luật đã mang lại hiệu quả tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thời gian tới, Sở Tư pháp TP Cần Thơ sẽ tiếp tục nhân rộng, củng cố, kiện toàn đối với mô hình này.
Bà Ngọc cho biết thấy được hiệu quả của mô hình quán cà phê pháp luật, có một số doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động liên hệ với Sở Tư pháp để hỏi, xin được mở quán cà phê pháp luật và Sở đang khảo sát điểm quán để ra mắt.
Các xã nôn nóng được mở quán Quán cà phê pháp luật còn là điểm sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người dân. Tùy đặc điểm tình hình mỗi nơi mà có những chuyên đề sinh hoạt khác nhau như tuyên truyền, phổ biến một số quy định của pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội, dân sự, hôn nhân gia đình, an toàn giao thông..., qua đó nâng cao hiệu quả công tác phổ biến pháp luật địa phương. Nhiều địa phương xin được mở điểm quán. Chẳng hạn, chủ tịch xã Xuân Thắng phân bì là người dân xã ông cũng có nhu cầu tìm hiểu pháp luật mà sao Phòng Tư pháp huyện chưa duyệt cho xã mở quán cà phê pháp luật. Sau khảo sát của Phòng Tư pháp thì tháng 2 vừa rồi xã Xuân Thắng đã cho ra mắt một điểm quán cà phê pháp luật tại xã. Bà VÕ THỊ NGỌC SƯƠNG, Trưởng phòng Tư pháp huyện Thới Lai Giảm hẳn sự vụ tranh chấp từ ngày có quán Trước đây Đông Thuận là địa bàn khá phức tạp về tình hình an ninh trật tự nhưng hiện tại đã tốt hơn rất nhiều. Ngoài việc tuyên truyền vận động bà con thực hiện pháp luật, mô hình cà phê pháp luật này còn giúp người dân tìm hiểu, tham khảo và nắm thêm nhiều thông tin, kiến thức pháp luật. Từ đầu năm 2017 đến nay không có sự vụ, sự việc tranh chấp nào của bà con phải đưa lên hội đồng hòa giải của xã thực hiện. Ông TRƯƠNG HỮU PHƯỚC, Chủ tịch UBND xã Đông Thuận, huyện Thới Lai |
Tác giả: HẢI DƯƠNG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM