Xã hội

Cả nước đã có 13 người tử vong vì sốt xuất huyết

Các địa phương như Hà Nội, Quảng Nam, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh là những địa phương đang có số người mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2016

Bộ Y tế cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước và 13 người tử vong. Trung bình mỗi tuần, cả nước có 1.700-1.800 bệnh nhân sốt xuất huyết mới.

Các địa phương như Hà Nội, Quảng Nam, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh là những địa phương đang có số người mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Các tỉnh, thành khu vực phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết với 80% ca mắc và 90% ca tử vong của cả nước.

Tai Hà Nội, tính đến nay đã có hơn 3.200 trường hợp bị sốt xuất huyết. Dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay xuất hiện sớm và gia tăng bất thường trên địa bàn Thủ đô. Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc hiện nay tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây chỉ là số liệu thống kê bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện.

Trên thực tế, số người bệnh chắc chắn còn cao gấp nhiều lần. Đến thời điểm này, Hà Nội đã có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Thế nhưng, nhiều cơ quan chức năng và người dân vẫn chủ quan, lơ là với dịch bệnh sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trong quá trình phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch, có tới 15% số gia đình đi vắng cả ngày và 5% số hộ không hợp tác với nhân viên y tế dự phòng. “Đối với những trường hợp không hợp tác thì biện pháp sẽ là ngành y tế thống kê sau đó sẽ báo cho chính quyền và chính quyền đến để vận động, tuyên truyền.

Mặc dù đã được tuyên truyền phải diệt lăng quăng bọ gậy, nhưng khi kiểm tra cán bộ y tế vẫn phát hiện ổ bọ gậy tái xuất hiện ở nhà một người dân trên phố Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì - Nam Từ Liêm- Hà Nội

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang quá tải do hàng ngày tiếp nhận gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Còn tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, trong tháng 6 vừa qua có gần 400 bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết. Bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang để tiếp nhận bệnh nhân.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2017, TP đã có hơn 9.100 ca sốt xuất huyết, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 3 trường hợp đã tử vong do sốt xuất huyếtvà 1 trường hợp tử vong có yếu tố liên quan đến bệnh này. Riêng trong tuần 26, toàn TP ghi nhận 449 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, tăng 57% so với trung bình 4 tuần trước đó.

ThS.BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết điều kiện thời tiết ban ngày nắng nóng, chiều tối có mưa như hiện nay là cực kỳ thuận lợi cho muỗi sinh đẻ. Dự báo thời gian tới, sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, sốt xuất huyết đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhanh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng tình trạng mưa sớm, mưa nhiều, sáng nắng chiều mưa tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc và miền Nam hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Trước tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Phu cho biết Bộ Y tế đã quyết định thành lập 9 đoàn kiểm tra về công tác phòng chống sốt xuất huyết và một số dịch bệnh nguy hiểm. "Kinh nghiệm của Bộ Y tế là khi công tác phòng chống dịch triển khai sớm, quyết liệt sẽ hạn chế được số ca mắc bệnh. Một trong những biện pháp quan trọng là xử lý tốt các điểm nguy cơ, kết nối thông tin giữa các tuyến trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, tăng giường bệnh cho bệnh nhân khi cần thiết; tư vấn, chuyển bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới điều trị..." - ông Phu lưu ý.

Liên quan đến thực tế một số hộ dân không hợp tác với cán bộ phòng chống dịch khi họ đi phun hóa chất diệt muỗi, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện Nghị định 76/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh sốt xuất huyết. Tại TP Hồ Chí Minh, 46 trường hợp đã bị phạt. Còn tại Hà Nội, Sở Y tế cũng yêu cầu các cấp đẩy mạnh chế tài những trường hợp vi phạm nhằm thay đổi ý thức và hành vi của người dân trong hoạt động phòng chống dịch bệnh.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP