Cuộc sống

"Buôn" chuyện nhà lên mạng: Sai một ly... đi ngàn dặm

Nếu như ban đầu chỉ là những ẩn ức cá nhân của chị Hà Lan với chồng, nhà chồng thì nay, nó đã trở thành một đề tài "hot" để chị em thi nhau "bóc phốt" chồng, nhà chồng. Còn ngoài đời thực, chị Hà Lan đang đối diện với những phản ứng gay gắt từ chồng cùng cả gia đình nhà chồng.

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của Kate Rosenblatt, Giám đốc công ty trị liệu trực tuyến Talkspace (Mỹ), khi thấy ai đó "like" bài viết của mình trên mạng xã hội, bộ não của người dùng sẽ tự động sản sinh dopamine (hormone hạnh phúc), tốt cho tinh thần và thể chất.

Cảm giác như vậy đã thúc đẩy người dùng tăng thời gian họ dành cho mạng xã hội. Và có lẽ, đây cũng là lý do khiến cho những người có nhiều tâm sự lại muốn được chia sẻ trên mạng xã hội nhiều hơn.

Và từ đây, nảy sinh nhiều tình huống, câu chuyện dở khóc dở cười, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Chị Hà Lan kể, một lần, hai vợ chồng chị cãi nhau liên quan đến chuyện ứng xử nhà nội - nhà ngoại. Đại loại anh không làm ra tiền nhưng lại luôn muốn kiểm soát tài chính của vợ. Mỗi tháng, chị "góp" cho bà nội 5 triệu đồng tiền ăn thì chồng chê ít, muốn chị phải đưa cho bà 6 triệu đồng.

Trong khi đó, hằng tháng, chị biếu mẹ đẻ 1 triệu thì anh có vẻ khó chịu, bảo không cần, lễ tết biếu bà ngoại một khoản sau… Cộng với nhiều ức chế khác trong gia đình nhà chồng mà không biết chia sẻ với ai, chị Hà Lan đã viết một bài tâm sự nỗi niềm trong một "nhóm kín" của chị em đã có gia đình trên Facebook.

Bài viết của chị Hà Lan thu hút được nhiều lượt tương tác. Trong những ý kiến bình luận, có người khuyên chị bình tĩnh, đợi một vài hôm, hai vợ chồng cùng nguôi ngoai thì ngồi lại nói chuyện với nhau, lúc ấy cả hai cùng lắng nghe nhau, mâu thuẫn sẽ được giải toả.

Có người kêu góp cho bà nội 5 triệu là ít, có người lại nói là quá nhiều. Có người khuyên chị nên ba mặt một lời, không chỉ nói với chồng mà nên nói thẳng với cả mẹ chồng, gia đình nhà chồng về quan điểm sống và những ấm ức bấy lâu mình phải chịu đựng.

Lại có ý kiến không mang tính xây dựng như "Lành làm gáo, vỡ làm muôi, thời nào rồi mà bạn phải nhẫn nhịn như thế"; "Thà chẳng có chồng thì chớ, ở với ông chồng đã chẳng làm ra tiền còn gia trưởng"…

Câu chuyện của chị Hà Lan như "châm ngòi" cho các chị em khác thi nhau vào kể chuyện nhà mình.

Xét ở góc độ tích cực, khi được nói ra những ẩn ức trong lòng, con người ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì được giải toả. Ở trường hợp chị Hà Lan, khi nhận được những chia sẻ, tương tác của các thành viên trong nhóm, chị đã được an ủi, động viên rất nhiều.

Song thật tiếc vì câu chuyện đã không dừng lại ở đó. Về phía chị Lan, có thể vô tình hoặc không để ý nên không biết, trong "nhóm kín" mấy nghìn thành viên ấy, có cả người quen biết các thành viên trong gia đình chồng chị ngoài đời.

Dẫu nguyên tắc của "nhóm kín" là không được chia sẻ bài viết ra ngoài ở chế độ công khai nhưng có một "người quen không biết mặt" nào đó của chị Lan trong nhóm kín đã chụp màn hình chia sẻ này "buôn" lại với cô em chồng của chị. Và câu chuyện tiếp tục không có điểm dừng.

Nếu như ban đầu chỉ là những ẩn ức cá nhân của chị Hà Lan với chồng, nhà chồng thì nay, nó đã trở thành một đề tài "hot" để chị em thi nhau "bóc phốt" chồng, nhà chồng. Còn ngoài đời thực, chị Hà Lan đang đối diện với những phản ứng gay gắt từ chồng cùng cả gia đình nhà chồng.

Và e rằng, những vết nứt tình cảm khi bị đẩy lên cao trào ấy không dễ hàn gắn trong một sớm một chiều…

Tác giả: Nhật An

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

  Từ khóa: Buôn chuyện , mạng xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP