Trong nước

Bức xúc cam kết không đi đường BOT Bến Thủy: Dân cần “luật chơi” sòng phẳng

Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, nhiều người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và TP Vinh (Nghệ An) nhiều lần đưa xe ô tô dàn hàng tại hai đầu cầu Bến Thủy để phản đối việc không đi đường BOT nhưng vẫn mất phí, đồng thời đòi di dời Trạm thu phí Bến Thủy.

>>Đi… rửa xe cũng bị thu phí BOT
1 ZDJZ jpg
Người dân tập trung xe phản đối thu phí BOT tại cầu Bến Thủy ngày 19/3 vừa qua.

Nắm bắt tình hình trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần đảm bảo quyền lợi của người dân.

Người dân cho rằng cho đến nay, các bên liên quan, chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) chậm trễ thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Mãi đến ngày 10/3/2017, CIENCO 4 mới có công văn yêu cầu các địa phương gồm TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), huyện Nghi Xuân, Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thống kê các chủ phương tiện không đi đường BOT hoặc thỉnh thoảng đi. Bên cạnh đó, CIENCO 4 còn “dọa” nếu phát hiện chủ có phương tiện đi sai với cam kết sẽ "cắt" hỗ trợ.

Điều này lại làm dấy lên bức xúc trong dư luận. Người dân phản đối: tại sao phải yêu cầu chủ phương tiện cam kết khi Trạm thu phí đặt trên đường có dự án BOT? Trong khi chủ phương tiện thực sự đi trên đường BOT lại không phải cam kết gì?

Liền sau đó, có thông tin cho rằng địa phương yêu cầu cam kết là chưa phản ánh đúng tinh thần cuộc họp giữa CIENCO 4 và một số địa phương của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Vậy tinh thần đó là gì? Và liệu có đáp ứng yêu cầu của người dân là không được thu phí hoặc di dời Trạm thu phí Bến Thuỷ đặt trên đường có dự án BOT?

Thực tế, người dân phản đối việc mất phí oan khi đi qua Trạm thu phí Bến Thủy ngày càng diễn ra gay gắt. Gần đây nhất là “cuộc đấu tranh” ngày 19/3/2017, hàng trăm người dân lại đưa phương tiện tập trung hai bên cầu phản đối trạm thu phí đặt sai vị trí.

Theo các chuyên gia, thông thường khi tiến hành dự án BOT (Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), doanh nghiệp trình cho cơ quan có thẩm quyền phương án tài chính. Đối với dự án BOT đường tránh Vinh, một vấn đề dường như bị “bỏ quên” là xem xét chủ phương tiện nào sử dụng và chủ phương tiện nào không sử dụng dịch vụ đường BOT.

Nhiều luật sư đã chỉ ra rằng: Chính việc cho phép CIENCO 4 dùng Trạm thu phí Bến Thuỷ cũ từ năm 2005 để thu phí BOT đường tránh Vinh chưa phù hợp quy định Điều 2 Pháp lệnh Phí và lệ phí (nay là Luật Phí và Lệ Phí).

Nói về nỗi mất phí oan bao năm, bà Phan Hải L thường xuyên đi làm qua cầu Bến Thủy nói: "Các nhà xây dựng pháp luật, các nhà hoạch định chính sách có thể trả lời giúp chúng tôi là trường hợp nào thì được miễn và trường hợp nào được giảm phí BOT?

Người dân không sử dụng dịch vụ BOT thì được xem là miễn phí hay là không được thu phí? Đúng ra, chúng tôi sử dụng đường BOT lần nào, chừng nào (bao nhiêu km - PV) thì trả tiền lần đó, chừng đó. Ví như mua 5 lạng thịt sẽ trả tiền 5 lạng thịt, ai đời không mua cũng phải trả tiền, hoặc mua 3 mà phải trả 5."
Minh chứng mất tiền oan rõ ràng nhất là tuyến xe buýt đi từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) - Vinh (Nghệ An) theo tuyến đường 8 và tuyến đi từ TP Hà Tĩnh đi qua Lộc Hà qua Nghi Xuân, đến Bệnh viện Ba Lan (Nghệ An) và ngược lại. Hai tuyến xe buýt trên không hề đi trên tuyến đường BOT do CIENCO 4 xây dựng. Thế nhưng, do Trạm thu phí án ngữ đầu cầu nên cứ mỗi lần xe qua trạm là phải mất phí.

Hay một dẫn chứng khác cho thấy nghịch lý khi so sánh hai cán bộ công chức có hệ số lương như nhau, sống cạnh nhà nhau nhưng làm cơ quan khác nhau, đi làm theo hai hướng khác nhau. Hai người đều đi bằng phương tiện ô tô đến cơ quan cách nhà 5 km và cùng không đi qua đường BOT. Tuy nhiên, một người theo hướng phải qua trạm thu phí và phải mất phí 40 ngàn đồng, người kia không qua trạm, không mất phí. Thử hỏi đơn vị thu phí lý giải việc này như nào?

Theo phản ánh của người dân, thời gian cũng như lộ trinh thu phí đối với Trạm thu phí cũng không rõ ràng và hầu hết người dân không biết. Ông Nguyễn Quang Trung, một người dân sống gần cầu Bến Thuỷ bức xúc:

"CIENCO 4 được đầu tư nhiều nơi, nhiều dự án, được tăng vé, được tăng thời gian thu phí nhưng chúng tôi là người trực tiếp bị ảnh hưởng quyền lợi lại không được hỏi, không được biết. Qua báo chí chúng tôi muốn mọi việc đều minh bạch, sòng phẳng, đề nghị các cơ quan như Tổng cục đường bộ, thuế, Thanh tra, kiểm toán hãy công bố công khai về các khoản đầu tư, tổng thu đến thời điểm này cho người dân được biết".

Sáng 21/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT. Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và một số địa phương.

Giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT do Trung ương quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể: Dự án tuyến tránh TP Vinh dài 25Km do Tổng Công ty XDCTGT 4 đầu tư theo hình thức BOT, được sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí cầu Bến Thủy I,II và Dự án mở rộng QL1A đoạn Km368+400 (Nghi Sơn) - Km402+330 (Cầu Giát) qua tỉnh Thanh Hóa- Nghệ An có tổng mức đầu tư 3.643 tỷ đồng do Liên danh Tổng Công ty XDCTGT 4 - Tổng Công ty 319 đầu tư xây dựng. Dự án được sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí Hoàng Mai để hoàn vốn.

Bên cạnh ghi nhận ưu điểm trong đầu tư các công trình theo hình thức BOT, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho rằng các dự án BOT vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Một số quy định chưa cụ thể, cần bổ sung chế tài quản lý, kể cả cơ chế chính sách; Giá thu phí, lộ trình tăng phí các công trình giao thông theo hình thức BOT nhiều điểm còn chưa phù hợp; việc quản lý xây dựng, công tác bảo trì, đảm bảo giao thông vẫn còn một số tồn tại.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước, tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cần bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến công trình BOT; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; triển khai xây dựng và có quy định mức giá, lộ trình tăng giá, thời gian thu phí phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và đảm bảo được tính hiệu quả chung và lợi ích của nhân dân cũng như nhà đầu tư.

Tăng cường kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính minh bạch. Đề nghị Bộ GTVT có giải pháp giải quyết một cách lâu dài trước đề nghị của các chủ phương tiện không đi trên tuyến tránh mà vẫn phải nộp phí khi đi qua cầu Bến Thủy.

Ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Cienco4 khẳng định: Lộ trình tăng phí của cầu Bến Thủy phù hợp với Thông tư 159 của Bộ GTVT, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhà đầu tư kiến nghị với Bộ GTVT giảm mức phí.

“Việc ý kiến một số người dân đề nghị thay đổi vị trí trạm thu phí, miễn phí là rất khó khăn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm có giải pháp giảm thu phí cầu Bến Thủy, giải quyết bức xúc trên địa bàn. Hoàn chỉnh thể chế đầu tư dự án BOT, tinh giảm thủ tục trong thực hiện dự án. Đối với chính quyền địa phương, UBND tỉnh Nghệ An sớm quyết toán phương án GPMB. Phối hợp các cơ quan giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang và xe quá tải”- ông Nghĩa đề nghị.

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP