Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: QN |
Cuối tháng 6 vừa qua, phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM phải ra tòa vì một người kiện cơ quan này liên quan đến việc cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN).
Tranh chấp nội bộ, sở bị kiện
Ông Trần Minh Hoàng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam (Vinaland), đã khởi kiện phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM.
Ông Hoàng cho rằng ông được bổ nhiệm chủ tịch HĐQT - người đại diện pháp luật của Vinaland từ tháng 5-2013, theo giấy chứng nhận đăng ký DN cấp đổi lần thứ 10.
Thế nhưng đến tháng 11-2015, ông Hoàng phát hiện Vinaland được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần thứ 11 với nội dung đổi chủ tịch HĐQT - người đại diện pháp luật công ty sang tên người khác.
Ông Hoàng cho rằng mình không được mời dự cuộc họp HĐQT có nội dung đổi chủ tịch HĐQT công ty. Mặt khác, ông cũng cho rằng biên bản cuộc họp này đã được đóng bằng con dấu giả mạo. Ông quản lý con dấu thật và không đóng dấu biên bản này. Biên bản này dùng con dấu giả, nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần 11.
Trong khi đó, phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT TP.HCM cho rằng DN phải tự kê khai hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký DN, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của DN và người thành lập DN.
Bên cạnh đó, phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT TP.HCM cho rằng cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác hoặc giữa DN với tổ chức, cá nhân khác theo đúng Nghị định 78/2015 về đăng ký DN.
Vụ việc còn đang được tòa xét xử.
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: QN |
Ai chịu trách nhiệm về giả mạo?
Thực tế cho thấy tranh chấp trong nội bộ DN là chuyện thường xảy ra. Việc các thành viên tại DN sử dụng con dấu, giả mạo chữ ký… để nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm thay đổi người đại diện, thay đổi phần vốn góp, chuyển nhượng phần vốn… đã diễn ra khá nhiều. Tranh chấp nội bộ nhưng rốt cục đã từng có một số cơ quan đăng ký kinh doanh bị kiện ra tòa.
Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT TP.HCM từng nêu quan điểm rằng việc xác minh hồ sơ có giả mạo hay không phải do cơ quan có nghiệp vụ, có thẩm quyền. Mặt khác, nếu giao cho cơ quan đăng ký kinh doanh nghĩa vụ xác minh tính chính xác của hồ sơ và bắt cơ quan này chịu trách nhiệm, thậm chí bồi thường cho DN nếu để lọt hồ sơ giả mạo thì chỉ gây lãng phí thời gian, kéo dài thời hạn giải quyết và tạo thêm khó khăn cho DN.
Nói rõ thêm về vấn đề này cũng như hướng giải quyết khi gặp những rắc rối trên, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, phân tích: Theo Điều 43 của Nghị định 78/2015, khi nhận thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ… Do đó, trách nhiệm của cơ quan này chỉ dừng lại ở việc kiểm tra tính “hợp lệ” mà thôi. Tính hợp lệ khác tính hợp pháp, do đó trường hợp có giả mạo chữ ký, con dấu thì cơ quan đăng ký kinh doanh không chịu trách nhiệm.
“Trường hợp phát hiện có dấu hiệu giả mạo, phòng Đăng ký kinh doanh cần phải yêu cầu cơ quan công an xác định hành vi giả mạo. Căn cứ kết luận của cơ quan công an, nếu có giả mạo, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN” - luật sư Châu Việt Bắc nói.
Luật sư Bắc cũng khuyến cáo để xử lý những tình huống này, thành viên công ty nên yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN. Trong trường hợp nếu liên quan đến tranh chấp quyền lợi của các cổ đông thì các cổ đông, thành viên công ty… có thể giải quyết với nhau bằng tòa án hoặc trọng tài nếu điều lệ công ty có thỏa thuận chọn trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng để tránh rắc rối (như giao dịch đó có thể bị tuyên là vô hiệu) thì DN cần xây dựng các thỏa thuận, pháp lý nội bộ về việc góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích…
Làm gì khi người đại diện chết, mất tích? Qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của DN của Chính phủ, một công ty TNHH xây dựng-thương mại từng phản ánh ngày 15-1-2016, người đại diện theo pháp luật của công ty đã chết nhưng sau đó thủ tục thừa kế vẫn chưa được thực hiện xong. Điều này khiến công ty không có người đại diện theo pháp luật thay thế, vậy cần phải làm gì để được tiếp tục hoạt động kinh doanh? Về vấn đề này, Bộ KH&ĐT trả lời theo khoản 5 Điều 13 Luật DN quy định: Trường hợp DN chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của DN hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty. Giả mạo sẽ bị thu hồi Luật DN 2014 quy định DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN trong các trường hợp sau: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký DN là giả mạo; DN được lập do những người bị cấm thành lập DN; DN ngừng hoạt động kinh doanh một năm mà không thông báo; DN không gửi báo cáo định kỳ theo quy định… |
Tác giả: Quỳnh Như
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM