Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng (quận Cái Răng), cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 6km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều) để xuôi thuyền trên sông về chợ nổi. Theo Viện Kinh tế Xã hội Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng khi mới hình thành nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông là Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên bờ.
Đến thập niên 90 của thế kỷ 20, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời khỏi khu vực cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 01km.
Hiện tại, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m với diện tích mặt nước khá rộng lớn. Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu - kênh Xáng Xà No nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các địa phương lân cận và cả vùng sông nước Cửu Long. Đây là lý do khiến chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn nhất, sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng sông nước Cửu Long.
Cũng như những chợ nổi khác ở đồng bằng sông Cửu Long, chợ được hình thành để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa khi đường bộ và các phương tiện lưu thông trên đường bộ chưa phát triển. Người ta tụ tập trên sông bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng... Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn, mang lại tiềm năng về kinh tế lẫn du lịch miền Tây sông nước này.
Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, từ mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những loại hàng hóa được bày bán trên ghe, thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một loại mặt hàng. Trước mỗi ghe hàng thường có một cây sào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có. Ví dụ như nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây sào sẽ treo lủng lẳng vài củ khoai, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây sào sẽ có treo vài quả xoài như thể muốn người mua biết rằng “Ở đây có bán khoai” hoặc “Ở đây có bán xoài”. Những ghe như thế gọi là ghe bẹo.
Chợ đông nhất là vào khoảng 7 - 8 sáng. Chợ không hoạt động hoặc hoạt động rất ít vào các ngày Tết Âm lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết, Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch). Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác như phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi... Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan.
Sức hút của chợ nổi Cái Răng đối với khách thập phương chính là sự tươi ngon của hàng hóa, mang đậm nét đặc trưng vùng sông nước miền Tây.
Không chỉ giữ gìn được nét đẹp văn hóa vùng sông nước, ngày nay chợ nổi như một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài rất thích khám phá và trải nghiệm. Cứ 5 chiếc xuồng vào chợ thì có đến 4 chiếc chở người nước ngoài, họ tỏ ra hiếu kỳ và thích thú từ khung cảnh, con người, thậm chí mê đắm cả câu rao hàng ngọt như “mía lùi” của những cô gái Tây Đô.
Bên cạnh đó, các thuyền máy (thuyền dịch vụ) chở du khách tham quan chợ cũng rất được ưa chuộng. Hầu như từ mờ sáng đến khi chợ vãn, chiếc thuyền nào cũng chật ních người tham gia hoạt động của chợ. Giá đi thuyền máy thăm chợ là 20 nghìn đồng/người, nếu du khách có nhu cầu đi ngang cầu Cần Thơ để ngắm cầu (từ dưới sông) vào đúng lúc mặt trời mọc sẽ thu thêm 10 nghìn đồng/người. Điều này không chỉ mở ra tiềm năng về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con sống quanh sông mà còn là cơ hội để phát huy thế mạnh du lịch của vùng.
Trước khung cảnh trời nước mênh mông, du khách dường như thấy tâm hồn mình rộng mở và khoáng đạt hơn, cảm nhận được sự khác biệt của cuộc sống nơi đây, thấy được sự chân thành, giản dị và hiếu khách đến lạ của những con người nơi đây.
Trở về sau những tour miền Tây trên sông nước, được ngắm và thưởng thức hoa thơm trái ngọt, du khách thập phương tỏ ra vô cùng thích thú, chẳng muốn rời đi khi chợ tan bóng thuyền.
Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ phối hợp với các sở, ban, ngành của Thành phố và UBND quận Cái Răng tiếp tục triển khai Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng. Trong đó, Đề án tập trung xây dựng hạ tầng du lịch chợ nổi Cái Răng, đồng thời xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, làm cho chợ nổi Cái Răng càng ngày càng hấp dẫn và là điểm đến ưa chuộng của du khách trong và ngoài nước. Quá trình đầu tư và phát triển chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ sẽ chú ý việc bảo tồn nguyên bản, không làm xáo trộn những hoạt động vốn có của chợ đã được hình thành từ mấy trăm năm qua, để chợ nổi là sản phẩm du lịch độc đáo không chỉ của Cần Thơ mà còn của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Tác giả: Sơn Khê
Nguồn tin: tapchigiaothong.vn