Giáo dục

Bốn vấn đề nóng Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sáng nay (11/11), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề nóng trong giáo dục hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về 4 nhóm vấn đề chính. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Thứ nhất, việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19.

Thứ hai, công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Thứ ba, phương án thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ tư, giảm tải chương trình học cho học sinh ra sao, công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của dịch COVID-19.

"Một bộ phận không nhỏ giáo viên mầm non ngoài công lập không có lương khi nghỉ dạy trong thời gian trẻ ở nhà để phòng dịch COVID-19. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch", báo cáo nêu.

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù để đảm bảo chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên hợp đồng ổn định cuộc sống, động viên thầy cô quay trở lại trường.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cấp xem xét miễn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non đang tham gia đóng từ năm 2020 đến nay.

Với các trường mầm non ngoài công lập, Bộ đề xuất xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020.

Bên cạnh những khó khăn của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu ra một số bất cập còn tồn tại trong dạy học trực tuyến thời gian qua.

Bộ trưởng đánh giá, với giáo dục phổ thông, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương chuyển sang dạy học trực tuyến. Nhưng công tác dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn vì thiếu thiết bị, học liệu.

Theo thống kê, hiện 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phù hợp chương trình môn học.

Giáo viên và các cơ sở còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn ở thời gian đầu triển khai dạy học trực tuyến. Thầy, cô cũng gặp khó khăn trong việc chuyển đổi giữa kế hoạch dạy học trực tiếp sang trực tuyến, trên truyền hình.

Nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động; hạn chế trong tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp thực tế và tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại địa phương.

Về kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp, Bộ hướng dẫn các trường thực hiện sau một thời gian khi học sinh trở lại trường và đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Khi học sinh mới trở lại lớp, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp các nhóm học sinh, nhất là những em không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Bộ trưởng nêu trong báo cáo: "Ngành giáo dục đang phối hợp nhiều Sở, ngành để huy động các nguồn lực, trạng thiết bị để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến, học qua truyền hình ngày một tốt hơn".

Tác giả: Hà Cường

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP