Kinh tế

Bon bo - cây "xoa nghèo" ở vùng cao

Dự án Bảo tồn và phát triển loài cây bon bo được Quỹ Môi trường toàn cầu và Trung tâm Tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An triển khai thí điểm tại 2 xã Nậm Nhóong và Châu Thôn của huyện Quế Phong. Sau gần 2 năm triển khai, bước đầu dự án đã mang lại hiệu quả nhất định. Không chỉ chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, mà cây bo bo còn cho nguồn thu đáng kể cho bà con dân bản.

Bản Quạnh, xã Châu Thôn có hàng chục ha bon bo mọc tự nhiên, phân tán dưới tán rừng. Mười năm về trước, bà con dân bản chỉ quen với việc vào rừng thu hoạch đem về nhà, thương lái tự tìm đến tận nơi thu mua. Chưa bao giờ bà con bản Quạnh có suy nghĩ sẽ đầu tư vào bảo vệ và mở rộng diện tích trồng cây bon bo.

Thế nhưng, giờ đây bà con đã có suy nghĩ khác. Gần hai năm nay, được tham gia dự án bảo tồn cây bon bo của xã, gia đình chị Vi Thị Hạnh đã tích cực chăm sóc, bảo vệ, đồng thời mở rộng diện tích trồng mới của gia đình lên 2ha. Chị Hạnh chia sẻ: Trước khi chưa có dự án bảo tồn của xã thì cây bon bo cũng đã phát triển trong tự nhiên, gia đình tôi cũng đã đi thu hoạch hạt, bán được từ 8-9 triệu/ha. Sau khi có dự án của xã hỗ trợ vay vốn thì gia đình tôi cũng tiếp tục trồng mở rộng diện tích thì chắc chắn thu nhập sẽ tăng lên trong thời gian tới.

images1295454 14 6 Chi Lu Thi Thin PCT UBND xa Chau Thon di kiem tra mo hinh trong cay bon bo xen dam duoi tan rung ban
Chị Lữ Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thôn kiểm tra mô hình trồng xen cây bon bo tại hộ gia đình chị Vi Thị Hạnh

Triển khai thực hiện đề án, xã Châu Thôn đã chọn 24 hộ của 2 bản Quạnh và bản Lắm tham gia trồng tập trung 7ha và trồng bổ sung, kết hợp khoanh nuôi gần 27ha. Đây là cơ hội để người dân tận dụng được tiềm năng sẵn có từ cây bon bo để tăng thu nhập kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, nên bà con rất tích cực tham gia. Nếu chăm sóc và bảo vệ tốt thì bình quân 1 vụ bon bon các hộ có thu nhập từ 15- 20 triệu đồng/1ha.

Từ hiệu quả bước đầu, bước sang giai đoạn hai, 16 hộ dân trong xã đã mạnh dạn tham gia Dự án. Bình quân mỗi hộ được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi quay vòng để bảo vệ và mở rộng diện tích trồng bon bo.

Bà Lữ Thị Thìn- Phó chủ tịch UBND xã Châu Thôn cho biết: Mô hình này hoàn toàn phù hợp với bà con dân bản và góp phần XĐGN. Đến giai đoạn 2, xã tiếp tục cho các hộ tham gia vay vốn, Quỹ Môi trường toàn câu cho mỗi xã vay 80 triệu đồng để thực hiện theo hình thức vốn quay vòng. Xã đã cho các xóm bản đăng ký và đã rà soát rất là kỳ lưỡng.

images1295456 14 6 Du an bao ton cay bon bo tai xa Chau Thon
Dự án bảo tồn cây bon bo tại xã Châu Thôn

Cây bon bo hay còn gọi là cây riềng Bắc lá to có độ tán che khoảng 30 - 70%. Theo các tài liệu khoa học, bon bo là loài cây có nhiều tác dụng, hạt được sử dụng làm thuốc chữa các loại bệnh như thấp khớp, đau lưng, đau tức ngực, đau dạ dày. Cùng với bảo vệ, trồng xen dắm 40ha cây bon bo dưới tán rừng, hiện nay 14ha diện tích cây bon bo mới trồng tại 2 xã Nậm Nhoóng và Châu Thôn đang phát triển tốt. Mặc dù chưa cho thu hoạch nhưng hiệu quả giữ độ ẩm, tăng độ che phủ rừng, giữ đất ở những cánh rừng dốc thì thấy rất rõ. Đặc biệt, nếu trồng phân tán với mật độ thưa, cây bo bo cho năng suất 6 tấn/ha. Với giá bo bo tươi là 30.000 đồng/kg thì bà con có thể thu về 180 triệu đồng/ha/năm.
images1295900 images1295455 14 6 Bon bo la loai cay co nhieu tac dung duoc su dung lam thuoc chua benh
Bon bo là loại cây có nhiều tác dụng được sử dụng làm thuốc chữa bệnh

Thực hiện Đề án phát triển Miền Tây, huyện Quế Phong đã đưa các loài cây, con xoá đói giảm nghèo vào phát triển như các loại cây dược liệu quý hiếm, bon bo, chè hoa vàng, nhân trần, chanh leo... Đề án phát triển miền Tây quy hoạch Quế Phong thành 3 vùng bao gồm Đông Nam, Tây Nam và vùng trung tâm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng. Vì vậy, Dự án bảo tồn phát triển bon bo sẽ gắn kết đầu ra cùng các sản phẩm đang phát triển nói trên. Hiện toàn huyện đã trồng chăm sóc và bảo vệ được 300ha cây bon bo. Ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trao đổi.

Bước đầu thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát triển loài cây bon bo đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Quế Phong. Đặc biệt, từ việc mở rộng diện tích trồng cây bon bo đã góp phần giữ ẩm, tăng độ che phủ của rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn huyện Quế Phong.

Tác giả bài viết: Hiến Chương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP