Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục nói về việc lương hưu giáo viên 1,3 triệu/tháng

“Trường hợp của cô Lan vừa rồi tôi rất trăn trở khi nhìn bà khuỵ, ngất nhưng làm việc thì Bảo hiểm xã hội nói không sai. Đứng về mặt nhà nước thì quy định như thế nhưng về mặt con người, các thầy cô hy sinh gần như cả đời như thế, giờ lương hưu 1,3 triệu thì sống sao?” – Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 30/10.


- Câu chuyện cô giáo mầm non khuỵ ngã vì nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm cống hiến đang thổi bùng băn khoăn trong dư luận. Bộ trưởng nhận định thế nào về việc này?

- Thực ra đây không phải chuyện riêng của cô giáo mầm non này đâu mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy, cô vì thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới. Vì thế, tôi đã làm việc với Bộ Nội vụ, đề xuất phải có đánh giá một cách công bằng khi các thầy đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực.

Trường hợp của cô Lan vừa rồi khiến tôi rất trăn trở khi nhìn bà giáo già khụy, ngất. Tuy nhiên, khi làm việc thì Bảo hiểm xã hội trả lời việc trả mức lương hưu như thế không sai.

Đứng về mặt nhà nước thì quy định là như thế nhưng thực tế về mặt con người, các thầy, cô hy sinh gần như cả đời, đến lúc về hưu nhận được 1,3 triệu đồng/tháng thì sống sao được. Tôi rất suy nghĩ về việc này và đang làm việc với Bộ Nội vụ, Tài chính để làm sao đưa vào luật giáo dục vấn đề thang, bảng lương của các thầy cô giáo.

- Bộ trưởng nói tình trạng mức lương giáo viên bất cập như này là phổ biến. Bộ có thống kê số lượng hay tỷ lệ cụ thể không?

- Thực ra, số cụ thể chúng tôi đang thống kê nhưng không ít đâu, nhất là các giáo viên mầm non. Có một thời rất dài các cô giáo có khởi điểm lương thấp. Chế độ, chính sách cũng chưa bảo đảm trong khi các cô bị áp lực rất lớn.

Đây là những vấn đề ưu tiên được chúng tôi xem xét, để sao cho chế độ làm việc của các thầy cô cần gắn với mức đãi ngộ tương xứng mới tạo được động lực. Nghị quyết Trung ương 9 cũng đã quán triệt chủ trương, thang bảng lương của các thầy cô phải được xếp cao nhất. Với tư cách là người phụ trách ngành, tôi đang tích cực, phối hợp với các Bộ ngành để làm sao theo đúng Nghị quyết của Đảng.

- Cụ thể hướng đề xuất của Bộ trưởng về việc này thế nào?

- Sửa luật giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ. Theo kế hoạch, tháng 5 năm sau chúng tôi sẽ trình xin ý kiến Quốc hội về việc sửa luật và tháng 10 sẽ xem xét thông qua.

Bộ GD-ĐT đang tích cực rà soát, chỉnh sửa những vấn đề bất hợp lý, bổ sung quy định để làm sao vị thế của người giáo viên được đặt đúng chỗ thì mới khuyến khích, động viên các thầy cô, động viên.

- Với sự việc cụ thể của cô giáo Lan, có thể xem xét hồi tố, thưa Bộ trưởng?

- Hồi tố là vấn đề pháp luật, còn những gì bất cập thì phải sửa, chứ những vấn đề khác còn liên quan đến nhiều luật khác như luật Bảo hiểm, cơ chế tài chính thì Bộ GD-ĐT kiến nghị để sửa đổi.

- Nếu sửa được các quy định hiện hành như Bộ trưởng nói thì những trường hợp như cô Lan, mức lương hưu có được hơn không?

- Cái đó phụ thuộc vào việc các bộ ngành cho ý kiến nhưng tinh thần là làm sao để có lợi nhất cho các thầy cô.

- Điểm vướng mắc được xác định ở đâu khi 37 năm công tác nhưng cô giáo Lan chỉ có 22 năm biên chế?

- Vấn đề này do quy định của bảo hiểm hoặc Bộ Nội vụ về vấn đề biên chế. Ngoài ra, việc tuyển dụng ở các địa phương cũng còn nhiều bất cập và chúng tôi đang tiến hành rà soát.

Sắp tới, chúng tôi cũng đang có chương trình đưa quy chế vào triển khai Nghị quyết Trung ương 6. Nghị quyết 8, 19 rất quan trọng với ngành giáo dục nhưng tôi khẳng định, thang, bảng lương cơ bản của thầy cô là thấp so với yêu cầu, đặc biệt tới đây là đổi mới chương trình phổ thông thì các thầy cô phải cố gắng. Có động lực thì phải có chế độ phù hợp, phải có thu nhập để yên tâm chứ không hô hào khó.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG