Trong nước

Bộ trưởng Công Thương viết thư xin lỗi: 'Bài học xương máu, đắt giá cho cán bộ lãnh đạo'

ĐBQH cho rằng hành động công khai xin lỗi Nhân dân của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là bài học xương máu, đắt giá đối với các vị cán bộ lãnh đạo.

Liên quan đến việc xe biển xanh đón người nhà lãnh đạo Bộ Công Thương tại chân cầu thang máy bay, chiều 8/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có thư công khai xin lỗi Nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng nghiệp trong ngành Công Thương và các hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối 4/1.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng việc làm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là hành động đáng ghi nhận. Tuy nhiên sự việc “vẫn còn nhiều khía cạnh khác nhau cần phải giải đáp”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin lỗi sau vụ việc để xe biển xanh đón người nhà tại cầu thang máy bay.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, nội dung thư của Bộ trưởng cũng mới đề cập đến đây là vấn đề của Văn phòng Bộ Công Thương chứ không phải là của cá nhân Bộ trưởng.

“Cần phải làm rõ Văn phòng Bộ có quyền tự ý làm việc này không bởi vì theo tôi biết, Văn phòng bao giờ cũng phải xin ý kiến của Bộ trưởng hay Thứ trưởng rồi mới làm chứ không tự ý làm”, ông Nhưỡng cho hay.

“Đây là xin lỗi với tư cách người đứng đầu Bộ Công Thương, đồng thời là người trong gia đình có liên quan thì nhận lỗi chứ không phải là người biết việc cũng như bố trí việc này.

Chúng ta lưu ý đã có văn bản của Văn phòng Bộ Công Thương nói rõ đây là lịch đi công tác của Bộ trưởng, lịch đón Bộ trưởng, vậy thì phải chăng là người chỉ đạo làm việc này? Bây giờ dư luận vẫn băn khoăn về vấn đề này, người ta không biết và cho rằng phải làm rõ câu chuyện đó”, ông Nhưỡng bày tỏ.

Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, nhiều cử tri cũng cho rằng hành động của Bộ trưởng là rất muộn.

“Trong thư cũng có nêu lý do Bộ trưởng đang điều trị bệnh nhưng tôi nghĩ rằng việc ra một văn bản xin lỗi cũng không phải chờ Bộ trưởng ký mà Bộ Công Thương nên đứng là làm việc này thay cho Bộ trưởng sau đó Bộ trưởng sẽ trực tiếp”, ông Nhưỡng cho hay.

Cuối cùng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ: “Sự việc là bài học đắt giá, bài học xương máu đối với một chính khách, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Đảng và Nhà nước đang có chỉ đạo rất rõ về vấn đề thực hiện tốt quản lý tài sản công, trong đó có xe công và vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt là với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và các Ủy viên Trung ương.

Đây là bài học rất lớn không chỉ cho bản thân Bộ trưởng Công Thương mà còn cho nhiều các đồng chí khác”.

Chung quan điểm với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, nguyên ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, hành động đứng ra xin lỗi người dân của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là hành động tích cực.

Thư xin lỗi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

“Hoan nghênh Bộ trưởng đã nhìn thấy sai sót của mình, công khai xin lỗi người dân, xin lỗi Đảng và Nhà nước. Dù thế nào thì Bộ trưởng đã nhìn thấy khuyết điểm, sai lầm và đấy là bài học. Còn mức độ như thế nào thì tùy theo các cấp xem xét, cá nhân Bộ trưởng đã nhận lỗi còn tha thứ hay không thuộc về nhân dân”, ông Thuyền nói.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, cử tri và nhân dân mong chờ những người đứng đầu, không chỉ Bộ, các cơ quan ngang bộ mà tất cả các cơ quan ban ngành phải là tấm gương sáng để nhân dân học tập.

“Nhân dân rất quan tâm, giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ. Chính vì vậy, các đồng chí lãnh đạo và tất cả những người đứng đầu các cơ quan phải là tấm gương sáng, nếu không sẽ bị nhân dân đào thải”, ông Thuyền nói.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho tất cả các vị lãnh đạo, đừng vì chủ nghĩa cá nhân, mình là quan chức không có nghĩa là gia đình mình làm quan chức.

“Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương.

Những cán bộ vẫn vi phạm thì cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bởi thực ra Ban Chấp hành mới ra quy đinh, các vị vừa được học xong mà đã quên ngay rồi.

Đặc biệt, tôi mong mọi người dân đều thực hiện giám sát, khi phát hiện vi phạm thì cần kịp thời phản ánh ra các phương tiện thông tin đại chúng để công khai minh bạch các vấn đề. Chỉ có công khai minh bạch như vậy, có sự giám sát như vậy mới giúp cho lãnh đạo của chúng ta tốt lên được”, ông Thuyền nói thêm.

"Với cương vị một Bộ trưởng, lời xin lỗi của ông ấy không chỉ thể hiện mức độ nhận thức văn hóa, mà đó là còn là trách nhiệm của người đứng đầu. Ông ấy làm sai, ông ấy phải xin lỗi. Cần có nhiều hơn nữa những lãnh đạo biết xin lỗi, biết nhận sai chứ không chỉ gói gọn trong một vài người. Đây sẽ là tiền đề tốt để nhân rộng và phổ biến văn hóa nhận lỗi trong bộ máy lãnh đạo", PGS - TS Phan An, chuyên gia về lĩnh vực nhân học và tôn giáo tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, nhận định.

Tác giả: XUÂN TRƯỜNG- NHẬT LINH

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP