Giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói gì sau chuyện "phù phép" điểm thi ở Hà Giang và Sơn La?

Sau những bê bối về "phù phép" điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang và Sơn La khiến dư luận dậy sóng những ngày qua thì tối 24/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Trả lời về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT sau khi xảy ra những sai phạm nghiêm trọng ở một số địa phương trong kỳ thi THPT Quốc gia năm vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT biết: "Trước hết, trên phương diện quản lý ngành, tất cả các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GDĐT thì Bộ phải xem xét, chỉ đạo giải quyết và xử lý kịp thời những sai phạm của cá nhân đúng theo quy chế.

Với trường hợp Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, tôi cùng lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đồng thời thành lập ngay tổ công tác về địa phương để làm rõ các dấu hiệu sai phạm, xác minh nghiêm không phân biệt bất cứ ai.

Mặc dù theo phân cấp địa phương là nơi đứng ra tổ chức nhưng khi để xảy ra sai phạm này Bộ GD&ĐT kiên quyết quan điểm xử lý nghiêm."

Khi được hỏi về nguyên nhân xảy ra sai phạm, có phải do quy trình chấm thi chưa chặt chẽ hay không, Bộ trường Phùng Xuân Nhạ cho rằng: "Tôi nghĩ quy trình là đầy đủ và chặt chẽ, quan trọng là giám sát con người. Đối với Hà Giang và Sơn La một số nhóm người cố tình làm sai có chủ đích chứ không phải là vấn đề về kỹ thuật. Vấn đề nữa là giám sát chưa nghiêm túc.

Qua rà soát, chúng tôi thấy khâu chấm thi là khâu về bảo mật, chọn con người và giám sát phải chọn những người thực sự nghiêm túc. Trong phạm vi ngành tôi đề nghị địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm. Tôi cho rằng họ không đủ tư cách tiếp tục làm nghề khi để xảy ra sai phạm như thế."

Trước những ý kiến cho rằng, có lẽ đến lúc Bộ GDĐT nên cân nhắc việc tổ chức coi thi, chấm thi ở địa phương. Quan điểm của Bộ GDĐT như thế nào về điều này? Bộ trường Phùng Xuân Nhạ cho hay: "Nếu như nhìn lại trước năm 2002 khi thi công nhận tốt nghiệp do địa phương và các Sở chịu trách nhiệm còn thi ĐH do các trường có nhiều cái tốt nhưng lại có bất cập rất lớn.

Đó là mỗi trường lại tổ chức thi một cách riêng rồi việc luyện thi và chất lượng cũng khác nhau. Thí sinh có thể một đợt phải thi nhiều trường. Rồi đối với các Sở GD&ĐT tại thời điểm đó có thể kết quả tốt nhưng cũng có điều này, điều kia vì là giao cho các địa phương.

Sau năm 2002 đến trước 2015, kế thừa những cái tốt đó và tiến tới một kỳ thi 3 chung là chung đề, chung địa điểm và chung kết quả nhưng bộc lộ nhiều hạn chế.

Đó là trong vòng 1 tháng phải thi đến 4 kỳ thi: Thi tốt nghiệp, thi ĐH đợt 1, thi ĐH đợt 2, thi cao đẳng. Như vậy nó tạo ra áp lực rất lớn và tốn kém cho gia đình và áp lực cho học sinh.

Chính vì vậy, Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 44 của Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu đổi mới kỳ thi, tiến tới một kỳ thi 2 mục đích: Công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.

Từ sau năm 2015, qua thực tiễn công tác đổi mới ngày càng hoàn thiện, gọn nhẹ hơn, giảm được nhiều áp lực hơn, tiết kiệm hơn. Đối với thí sinh và gia đình cũng thấy hợp lý hơn và nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Tuy nhiên, việc để xảy ra sai phạm ở một số địa phương như Hà Giang và Sơn La vừa qua thì Bộ GD&ĐT sẽ rà soát nghiêm túc các khâu đặc biệt là khâu chấm thi để đảm bảo an toàn, khách quan, trung thực để kỳ thi ngày một tốt hơn."

Tác giả: Hoàng Thanh

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP