Giáo dục

Bộ GD&ĐT lên tiếng về việc nhiều trường tuyển sinh tổ hợp môn “lạ”

Tuyển sinh năm 2018, ngành học kỹ thuật như chế tạo máy, CNTT, xây dựng tuyển tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân. Ngành kiến trúc, thiết kế nội thất tuyển tổ hợp Toán - Lý - Hóa và Toán - Văn - Anh. Trước các tổ hợp tuyển sinh “lạ”, Bộ GD&ĐT lên tiếng.

Kỹ thuật tuyển khối C

Trên website của trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có đăng thông báo tuyển sinh ĐH năm học 2018. Trong đó, đáng chú ý một số ngành kỹ thuật, trường xét tuyển thêm tổ hợp Văn, Sử, Giáo dục công dân như ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin. Trường còn tuyển cả tổ hợp Văn, Sử, Địa bên cạnh các tổ hợp có môn Toán như Kế toán, Tài chính ngân hàng.

Tương tự, trường ĐH Bình Dương cũng tuyển thêm tổ hợp Văn, Sử, Địa cho ngành kế toán, Tài chính ngân hàng. Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng xét tuyển tổ hợp này cho khối ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Bất động sản...

Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cũng xét tuyển thêm tổ hợp Văn, Sử, Địa đối với một số ngành như quản lý đất đai, Khuyến nông, Phát triển nông thôn, Bất động sản...

Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, có trường đang tuyển sinh theo tổ hợp môn thi không liên quan đến ngành đào tạo, trường hợp này Bộ sẽ có kiểm tra

Bộ GD&ĐT nói gì?

Bộ GD&ĐT cho biết thực hiện quy định tại Điều 34 của Luật GDĐH: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”, Quy chế tuyển sinh đã quy định: các trường được “Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”

Như vậy, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào? Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Quy trình xác định tổ hợp cho các ngành thường do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu... Và nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Với việc các trường tuyển sinh các tổ hợp môn thi không liên quan, theo bà Phụng, thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn, “mất nhiều hơn được”.

“Chúng tôi tin rằng những trường lựa chọn cách trên không nhiều. Nhưng đã có hiện tượng như vậy, chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình. Nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, chúng tôi sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để trước hết, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...

Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định.

Tác giả: T.Fan

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP