Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 41/2021/QH15 và Nghị quyết 109/2023/QH15, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2024, Bộ đã ban hành kế hoạch kiểm tra, trong đó có nội dung kiểm tra tại 24 Sở GD&ĐT về “thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học, thực hiện Chương trình GDPT 2018, lựa chọn SGK, dạy thêm, học thêm”.
Ảnh minh họa. |
Theo Vietnamnet, Bộ GD&ĐT đã kiểm tra tại 24 Sở GD&ĐT thuộc các tỉnh, thành gồm: Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Hưng Yên, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Phước, Quảng Bình, Ninh Thuận, Kon Tum, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Hậu Giang, Sơn La, Bắc Kạn, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Nam, Hải Phòng, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Cần Thơ.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng thực hiện thanh tra chuyên ngành một số cơ sở giáo dục đại học; triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ở các khâu chuẩn bị, coi thi, chấm thi.
Ngoài ra, Bộ cũng thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 tại 4 sở GD&ĐT (Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Cần Thơ) và chuẩn bị ban hành kết luận thanh tra các Sở GD&ĐT. Cùng đó, Bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024 tại các hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi; thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học; thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 của 2 sở GD-ĐT Hà Nội và Hải Phòng.
Đáng chú ý về vấn dề dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT cho hay, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở các địa phương hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, bảo đảm sự phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường.
Theo báo Nhân Dân trước đó, Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm khi được chính thức có hiệu lực sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng GD&ĐT ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. Tại Dự thảo Thông tư có 4 chương, 16 điều, trong đó đưa ra quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, mức thu và quản lý tiền học thêm cũng như trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm… Theo Bộ GD&ĐT, hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc: Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm; Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam; Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm; Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh; Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 (hai) buổi/ngày. Thời hạn Bộ GD&ĐT nhận ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư là ngày 22/10. Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT (địa chỉ email email: vughtrh@moet.gov.vn) là đơn vị tiếp nhận các ý kiến. |
Tác giả: Trúc Chi (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn