Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông La Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị này mới nhận được báo cáo về tình hình xe công từ phía Bộ Công Thương. Ông Thịnh cũng đã nắm được qua về những số liệu trong báo cáo.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, Bộ hiện đang thừa 57 xe công, trong đó phần lớn đã hỏng, quá hạn sử dụng, việc sửa chữa để tiếp tục sử dụng không hiệu quả.
Về đề xuất xin mua thêm xe công của Bộ Công Thương, ông Thịnh thông tin thêm, Cục Quản lý công sản đang xem xét để có những kiến nghị trình lên Bộ Tài chính về đề xuất này.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước có tình trạng thừa xe công nhưng vẫn xin mua xe mới. Trước đó, vào tháng 6, Hà Nội cũng xin tăng định mức xe công lên gấp đôi, TP.HCM dù thừa 353 xe công nhưng vẫn xin thêm 35 tỷ để mua xe mới.
Các tỉnh khác như Quảng Nam, Lai Châu cũng cho rằng định mức xe công như hiện nay là không phù hợp, là thiếu so với thực tế nhu cầu sử dụng cho mục đích công ở các tỉnh này. Tuy nhiên, đề nghị cũng như “phàn nàn” của các tỉnh này hiện đều không được chấp nhận.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu dẫn một so sánh nhỏ về tình trạng sử dụng xe công ở Việt Nam và Mỹ. Theo ông Hiếu, tại Mỹ, việc sử dụng xe công cho cá nhân là rất hạn chế, được tính toán rất kỹ và đều có kế hoạch từ trước.
Thông thường, chỉ có cấp trưởng, lãnh đạo cấp cao mới có chế độ xe công đưa đón, các cấp phó đều phải sử dụng xe cá nhân hàng ngày. Với nhân viên cấp dưới, chỉ được sử dụng xe công khi nào đi làm những việc thật sự cần thiết cho cơ quan và có một bộ phận điều xe đến phục vụ. Hầu như tất cả mọi người đều tuân thủ quy định này và ý thức tự giác rất cao.
“Người Mỹ rất hạn chế dùng xe công vì chi phí cho những vấn đề xăng nhớt, bảo dưỡng rất tốn kém. Những tốn phí như thế được kiểm soát rất chặt chẽ”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Theo vị này, hiện nay, xe công ở Việt Nam đang bị lạm dụng rất nhiều. Xe công nhưng được sử dụng ngoài giờ, cho việc riêng, cho cá nhân là không hợp lý nhưng chi phí thì vẫn rút từ tiền công quỹ. Vì vậy, việc các đơn vị, địa phương xin thêm xe công phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng.
"Liệu, việc xin thêm xe có thực sự cần thiết hay không? Từ số xe dư thừa ước lượng khoảng 7.000 chiếc ở tất cả các địa phương, đơn vị bộ ngành, ngoài số xe hết niên hạn sử dụng thì bao nhiêu chiếc vẫn có thể luân chuyển sử dụng từ nơi này đến nơi khác?", ông đặt câu hỏi.
“Quan trọng hơn hết, không phải nằm ở việc giải quyết ra sao với số xe dư thừa, không phải thanh lý được bao nhiêu tiền nộp về ngân sách nhà nước mà là ở chỗ, chúng ta đã có kế hoạch chi tiết, sử dụng lâu dài và tiết kiệm xe công hay chưa? Nếu thực sự có nhu cầu thì việc xin thêm xe là cần thiết. Còn nếu không thì thật sự là lãng phí tài sản quốc gia. Tôi nhấn mạnh, việc sử dụng xe công phải có kế hoạch”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Tác giả bài viết: Đỗ Huệ - Vi Hậu