Kinh tế

Bộ Công Thương lên tiếng về thay đổi khung giá bán lẻ điện bình quân

Ngay sau khi khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo về điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân, đại diện Bộ Công Thương cho biết, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Theo Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký, từ ngày 3/2, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444 đồng/kWh.

Như vậy, so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.

Khi có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.

Với quyết định này, chia sẻ với báo chí, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian vừa qua, công tác điều hành giá bán điện đã được Bộ Công Thương thực hiện theo đúng qui định tại Luật điện lực. Theo đó giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương).

Căn cứ các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, tình hình khủng hoảng năng lượng hiện nay, tác động cộng hưởng của căng thẳng địa chính trị tại Châu Âu, biến động tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát, gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh trên toàn cầu đã tác động lớn đến việc tăng giá năng lượng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu, Bộ Công Thương nhận thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg và đây là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.

Các khoản chênh lệch tỷ giá (CLTG) thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019, 2020 cũng như của các năm 2021-2024 ước khoảng hơn 21 nghìn tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hàng năm để tính toán khung giá.

Với các bối cảnh nêu trên đã tạo nên sự biến động lớn về các thông số liên quan đến chi phí mua điện (chiếm khoảng trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN).

Cũng theo ông Trần Việt Hòa, khung giá của mức giá bán lẻ điện là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được EVN xây dựng căn cứ theo Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng nêu trên và mức điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng các phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh nêu trên (trong khung giá), căn cứ cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định quy định giá bán điện cho các khách hàng sử dụng điện trong đó có các bậc giá nhóm khách hàng sinh hoạt.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh). Theo Globalpetrolprices, mức này hiện thấp hơn 50% so với Philippines - nước có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kWh); thấp hơn Indonesia (2.310 đồng một kWh); Thái Lan (3.273 đồng một kWh)... và hầu hết các nước phát triển khác.

Tuy nhiên, giá điện bình quân của Việt Nam cao hơn Lào (quốc gia có tới 70% thuỷ điện giá rẻ), một số quốc gia như Nga, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...

Tại một hội nghị mới đây do Bộ Công Thương tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giá điện Việt Nam không thể như các nước phát triển, và lưu ý Bộ Công Thương tính toán kỹ để dung hòa các mục tiêu, bởi tăng giá điện quá cao với thu nhập sẽ khiến "người dân, doanh nghiệp không chịu được".

Tác giả: Nguyệt Minh

Nguồn tin: doanhnghiepvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP