Từ nhiều tháng nay, anh Duy Mạnh (22 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục nhận được các tin nhắn mời chào vay tiền từ một đơn vị cho vay trực tuyến.
Theo chia sẻ, hồi giữa năm do có nhu cầu cấp thiết anh tìm đến một website cho vay tiền trực tuyến để đăng ký vay. Tuy nhiên, khi nhận thấy mức lãi suất quá cao, anh Mạnh đã từ chối vay. Từ đó, hàng tháng anh đều nhận được tin nhắn mời chào vay tiền từ phía website này.
Anh Mạnh không phải trường hợp duy nhất nhận được các tin nhắn mời chào đều đặn từ các website cho vay trực tuyến. Nhiều khách hàng từng vay hoặc đăng ký thông tin tại các trang web đều cho biết thường xuyên nhận được lời mời vay tiền online với lãi suất ưu đãi.
Trước tình trạng cho vay trực tuyến diễn ra tràn lan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra những cảnh báo cho người tiêu dùng về hoạt động này.
Theo cơ quan này, vay trực tuyến từng xuất hiện tại Trung Quốc và sự sụp đổ của hàng loạt mô hình cho vay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, tính mạng của người dân tại đây.
Lãi suất của hình thức vay tiền trực tuyến thường cao hơn rất nhiều so với vay thông thường. Ảnh minh họa: Q.T. |
Tại Việt Nam, bên cạnh ngân hàng, công ty tài chính, vài năm gần đây đã có sự xuất hiện và phát triển rất nhanh của mô hình cho vay trực tuyến. Các tên gọi phổ biến của loại hình này như “vay tiền nhanh online”; “vay tiền không thế chấp”; “vay tiền không cần gặp mặt”…
Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay.
Theo đó, tùy vào mô hình mà người vay có thể xác định người cho vay là đối tác của một công ty tư vấn như mô hình của ATMonline.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn… Nhưng cũng có trường hợp người đi vay không biết người cho vay là ai do giao dịch trên một hệ thống của công ty tư vấn như tima.vn; vaymuon.vn.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay do phần lớn giao dịch được thực hiện online các thông tin người vay cung cấp có thể không được sử dụng đúng mục đích.
Trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù như để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua mạng xã hội, hoặc liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ thông qua số điện thoại người thân, đồng nghiệp...
Vì vậy, trước khi cung cấp các thông tin cá nhân, người dân cần nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng. Tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, dễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân và gia đình.
Với các khoản vay trực tuyến, trước khi chấp nhận vay tiền, người dân cần hiểu rõ các nội dung liên quan đến giao dịch như cách giải ngân, thông tin người cho vay, lãi suất...
Nhiều người vay tiền trực tuyến sau mới phát hiện bên cho vay chính là tiệm cầm đồ. Ảnh minh họa: Q.T. |
Với một số mô hình cho vay trực tuyến, công ty tư vấn lại hợp tác với các tiệm cầm đồ. Vì vậy, người dân sẽ phải ký thêm hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân.
Đối với các giao dịch này, mức lãi suất thỏa thuận sẽ không được vượt quá 20%/năm theo quy định của Luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí như phí tư vấn, quản lý khoản vay… khiến lãi thực tăng lên rất nhiều.
Vì vậy, người dân nên tìm hiểu xem phải trả cụ thể bao nhiêu tiền, gồm những khoản gì, cách thức tính, thanh toán và thời hạn trả...
Cũng theo ghi nhận từ đơn vị này, chi phí vay trực tuyến khá cao so với mặt bằng cho vay tại các đơn vị tổ chức tín dụng. Vì vậy, dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người dân nên đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh phát sinh nợ quá hạn dẫn tới các chi phí và tình huống đòi nợ bất hợp pháp.
Tác giả: Quang Thắng
Nguồn tin: zing.vn