Pháp luật

Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan tố cáo của ‘cựu tử tù’ Liên Khui Thìn

Từ đơn tố cáo của ông Liên Khui Thìn, nguyên giám đốc công ty TNHH EPCO, Bộ Công an đã tiến hành xác minh và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại công ty TNHH EPCO (TPHCM) và một số đơn vị liên quan.

Ngày 29/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã có văn bản số 55/TB-CSKT-P10 gửi Viện Kiểm sát tối cao (Vụ 3) thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (CSKT) nhận được đơn của ông Liên Khui Thìn tố cáo các cá nhân lợi dụng thời gian ông Thìn chấp hành án phạt tù chiếm đoạt tài sản của công ty TNHH EPCO, công ty TNHH An Khánh và công ty TNHH Hồng Long.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Cụ thể, cơ quan CSĐT đã có quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và tiến hành điều tra, xác minh theo quy định.

Ngày 16/4/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 25/QĐ-CSKT-P10 để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại công ty TNHH EPCO (TPHCM) và một số đơn vị có liên quan.

Theo đơn tố cáo của ông Liên Khui Thìn (68 tuổi, thường trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) gửi Bộ Công an và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công ty EPCO và các doanh nghiệp do ông bỏ vốn thành lập và điều hành như Công ty TNHH TM Hồng Long, Công ty TNHH TM An Khánh, Công ty TNHH Hồng Long – Nha Trang… phát triển mạnh, có doanh số hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm với khoảng 15 nghìn lao động.

"Cựu tử tù" Liên Khui Thìn, nguyên giám đốc công ty TNHH EPCO (phải) và tác giả

Năm 1997, khi vụ án EPCO – Minh Phụng nổ ra, tài sản của ông Liên Khui Thìn trong công ty EPCO và các công ty do ông bỏ vốn thành lập là rất lớn. Tuy nhiên, do một số tài sản chưa hoàn thiện pháp lý về quyền sử dụng hoặc sở hữu nhà nên toà án không chấp nhận đưa vào cân đối nợ trong vụ án. Một số cá nhân đã lợi dụng điều này để chiếm đoạt tài sản.

Ông Liên Khui Thìn được đặc xá vào ngày 2/9/2009 với phần trách nhiệm dân sự còn phải liên đới bồi thường là 481 tỷ đồng (trong tổng số 1.051 tỷ đồng, ông đã thi hành được 569 tỷ từ tháng 3/19997 đến 2/9/2009). Theo ông Thìn, bản án vụ EPCO-Minh Phụng có hiệu lực đã 21 năm (từ ngày 12/1/2000) và từ lúc ông được đặc xá đến nay đã gần 12 năm, việc thi hành án vẫn không thể hoàn thành.

Trong quá trình tố tụng của vụ án, cá nhân ông Thìn đã khai báo phần tài sản và vốn góp cổ phần của ông trong các công ty. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số cơ quan tố tụng đã bỏ sót hoặc áp dụng cách tính toán không thực tế khiến cho một khối lượng tài sản giá trị lớn đã bị mất đi.

“Tôi là người phải thi hành án nhưng lại không có quyền thi hành án, bị tước quyền dân sự đối với tài sản và cổ phần tại các công ty, làm cho việc thi hành án đến nay vẫn chưa xong. Phần lớn các tài sản đó hiện nay đã bị lọt vào tay các cá nhân và nhóm lợi ích. Nhiều cá nhân là cán bộ trong bộ máy nhà nước đã chiếm đoạt tài sản của tôi và tài sản thi hành án của nhà nước”, ông Thìn cho hay.

Theo ông Liên Khui Thìn, khối tài sản trên bị chiếm đoạt dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn tài sản thế chấp một số Ngân hàng thương mại (NH). Khi các NH nhận thế chấp tài sản thì việc định giá rất thấp. Khi thu giữ và bán cho các đối tượng sân sau thì theo giá rẻ và không qua đấu giá, sau đó được chuyển nhượng với giá gấp hàng chục lần.

Đơn cử như nhà kho A375-A376 Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), giá thị trường hiện nay khoảng 2000 tỷ - 4000 tỷ đồng nhưng NH bán 60 tỷ đồng; Khu Công nghiệp Đồng An – Bình Dương, giá thị trường khoảng 500 tỷ - 1000 tỷ đồng được bán với giá 46 tỷ đồng;…

Nhiều khu đất trị giá hàng trăm tỷ đồng của ông Liên Khui Thìn ở quận 2 (cũ) bị chiếm đoạt, không thể thi hành án.

Bên cạnh đó, các tài sản cá nhân vốn là các khoản đầu tư vào các dự án ở quận 2, quận 9 cũ trị giá hàng nghìn tỷ đồng bị “hô biến” thành tài sản tư nhân. Ngoài ra, tài sản trong các công ty do ông góp vốn thành lập nhưng bị chiếm đoạt công ty dẫn đến mất hết tài sản. Cụ thể: Công ty EPCO (ông Thìn góp 12,5% vốn); Công ty TNHH TM Tây Sơn (50%), Công ty TNHH TM Hồng Long (75%)…

Đơn tố cáo của ông Thìn cho biết trong thời gian bị giam giữ, ông có ủy quyền cho một cá nhân thay mặt ông quản lý điều hành công ty H.L. Cá nhân này đã cấu kết với một số cán bộ biến chất để chiếm đoạt tài sản và toàn bộ công ty. Trước tình cảnh đó, ông nhờ người em ruột là Liên Khui Dương đi thu thập tài liệu, chứng cứ để làm đơn tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật.

Hậu quả là ông Liên Khui Dương sau đó bị công an bắt, di lý vào TPHCM giam giữ hơn 1 năm vì…chậm nộp khoản thuế 25 triệu đồng cho Chi cục Thuế TP Nha Trang, dù cơ quan thuế chưa có văn bản nhắc nhở và xử phạt hành chính…

“Dương bị suy kiệt thì mới được thả ra, sau khoảng 1 năm thì chết. Kết luận và kiến nghị của Thanh tra Bộ Tư pháp về việc khởi tố điều tra các các nhân và nhóm lợi ích vi phạm pháp luật cũng bị lãng quên”, ông Thìn cho hay.

Tác giả: Huy Thịnh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: cựu tử tù , EPCO , Liên Khui Thìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP