Kinh tế

Bỏ biên chế chuyển sang thuê công chức: New Zealand làm được không có nghĩa là Việt Nam làm được

Việc New Zealand là một quốc gia nhỏ khiến việc giám sát trở nên dễ dàng hơn khiến những ưu điểm này không quá thuyết phục cho một hệ thống hành chính mới.

Tại Singapore, quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, chi phí dịch vụ hành chính công của nước này luôn được giữ ở mức thấp nhằm thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như người dân. Ví dụ như trong ngành y tế, chi phí công cho ngành này chỉ chiếm chưa đến 5%, chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân thế giới.

Khái niệm về công chức nhà nước là khá đa dạng tại nhiều quốc gia. Ví dụ như ở Anh, chỉ những nhân viên nhà nước trực thuộc trung ương mới được gọi là công chức dân sự, trong khi những nhân viên trực thuộc quận hay thành phố thì không.

Thậm chí tại một số nước, người lao động ở một số tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng được gọi là công chức nhà nước với mục đích thống kê hay nghiên cứu phục vụ cho các cơ quan nhà nước với những điều khoản và điều kiện nhất định.

Tổng thống Mỹ cũng có thể bị "sa thải"

Tại Mỹ, dịch vụ dân sự liên bang được thành lập vào năm 1871, các công chức được định nghĩa là tất cả các vị trí hành pháp, tư pháp và lập pháp trong chính phủ ngoại trừ quân đội.

Vào đầu thế kỷ 19, chính phủ Mỹ hầu như được thành lập theo ý muốn bởi Tổng thống và nhà lãnh đạo này có thể bị sa thải bất cứ lúc nào bởi nghị viện. Tất nhiên, quy trình sa thải Tổng thống không hề đơn giản.

Tính đến năm 1909, khoảng 2/3 công chức Mỹ đã được bổ nhiệm dựa trên thành tích hoặc qua thi tuyển.

Dù có luật mới, những vị trí dân sự cao cấp như những người lãnh đạo đứng đầu cơ quan vẫn được bổ nhiệm bởi Tổng thống.

Được cải cách trong hơn 100 năm, nhưng nền hành chính công của Mỹ vẫn chưa được công nhận là đủ tốt và vẫn luôn được giảm tải tinh gọn hơn. Dưới thời của Tổng thống Obama, khoảng 446.000 công chức địa phương và 123.000 công chức liên bang đã bị sa thải.

Trong khoảng 2009-2014, công chức nhà nước là những người bị sa thải nhiều nhất (màu đỏ)


Trong khi đó, nhiều nước như NewZealand có những cải cách về dịch vụ công và được công nhận là một trong những quốc gia có hành chính công tốt nhất thế giới.

NewZealand và chính sách thuê công chức

Trong thập niên 80, New Zealand tiến hành cải cách cơ cấu hành chính công, theo đó chia rẽ các phòng ban thành những đơn vị độc lập và cạnh tranh với nhau. Những nhà lãnh đạo đứng đầu các phòng ban trở thành các “giám đốc điều hành” có hợp đồng với chính Bộ trưởng của từng ngành.

Việc cải cách này khiến ngân sách cho hành chính công được kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như quy trình báo cáo công tác của các bộ phận. Hơn nữa, các công chức có thể dễ dàng được ký hợp đồng hoặc bị cho sa thải theo luật lao động, qua đó giảm gánh nặng trách nhiệm cho nhà nước cũng như ngân sách.

Hiện nay, New Zealand được đánh giá có dịch vụ công được đánh giá khá cao, đặc biệt là tính minh bạch cũng như thái độ phục vụ. Dẫu vậy, việc New Zealand là một quốc gia nhỏ khiến việc giám sát trở nên dễ dàng hơn khiến những ưu điểm này không quá thuyết phục cho một hệ thống hành chính mới.

Theo thời gian, hệ thống hành chính cải cách của New Zealand đang xuất hiện nhiều bất cập và có khả năng kéo các mục tiêu chung của toàn nền kinh tế cũng như xã hội đi xuống.

Nhược điểm lớn nhất của hệ thống thuê công chức này là các ban ngành quá rời rạc, thiếu nhất quán để có thể xây dựng chung một chính sách có hiệu quả. Do tính cạnh tranh giữa các phòng ban, tình trạng tự do trao đổi thông tin bị hạn chế và nhiều khi các phòng ban không biết “đối thủ” của họ đang làm gì để có thể phối hợp.

Nói cách khác, hệ thống hành chính công của New Zealand tập trung quá nhiều vào “sản lượng” mà quên đi “chất lượng” công việc. Đây là một nhược điểm vô cùng lớn trong các mảng xã hội như sức khỏe trẻ em hay y tế cộng đồng.

Thủ tướng New Zealand John Key


Mặc dù chính phủ New Zealand đang có những động thái nhằm cải thiện hệ thống này, như ban hành mục tiêu chung cho tất cả các ban ngành nhưng họ vẫn không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Những lãnh đaoh của các phòng ban không có nhiều động lực để hợp tác với nhau khi họ có hợp đồng lao động đối với từng người

Hội đồng quản lý hành chính công quốc gia (SSC) của New Zealand hiện có rất ít quyền lực trong việc quản lý các “giám đốc điều hành” những phòng ban này bởi họ vẫn làm đúng phận sự trong phạm vi của mình và theo hợp đồng, SSC không thể sa thải mà không có lý do chính đáng.

Hậu quả là khi những mục tiêu chung cần sự phối hợp của các ban ngành không thể đạt được, những lãnh đạo của các phòng ban này cũng không phải từ chức vì họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ riêng. Hầu hết những vụ từ chức của trưởng các phòng ban tại New Zealand chỉ xảy ra khi có sự thay đổi hoặc xung đột về chính trị.

Nguồn gốc công chức

Những tài liệu xa xưa nhất về hệ thống công chức nhà nước là từ thời Hán Vũ đế (khoảng năm 156-87 trước công nguyên) khi chính quyền trung ương tổ chức các khoa thi cử nhằm tuyển chọn quan lại và xây dựng bộ máy chính quyền.

Đến thế kỷ 18, việc Đế quốc Anh bành trướng khắp thế giới đã thúc dục nhu cầu cải tiến bộ máy công quyền trì tệ và cồng kềnh. Thời kỳ đó, hầu hết các vị trí quan chức là được bổ nhiệm bởi tầng lớp lãnh đạo hoặc được tầng lớp quý tộc bỏ tiền ra mua.

Một số tài liệu cho thấy việc Anh quốc thay đổi hệ thống công chức bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc, đặc biệt là những cuộc thi cử tuyển quan lại. Năm 1853, Bộ trưởng Tài chính Anh William Gladstone với sự tham khảo từ hệ thống thi cử quan lại của Trung Quốc đã quyết định cải tổ các hoạt động dịch vụ dân sự.

Theo đó, chính quyền Anh chính thức tuyển dụng công chức qua thi tuyển, dựa trên thành tích để phân cấp chứ không bổ nhiệm bừa bãi hoặc bán “chức vụ” cho giới quý tộc.

Hệ thống này dần được mở rộng ra khắp Châu Âu cũng như những vùng đất mà đế quốc Anh hay các đế quốc tư bản khác đặt chân tới. Đặc biệt, sự cải cách này đóng góp phần lớn cho nền dịch vụ công tại Mỹ-cường quốc lớn nhất thế giới hiện nay.

Tác giả bài viết: Hoàng Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP